Thuế tương đối không mang lại kết quả mong muốn
Hiện nay Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp thuế tương đối (thuế suất tính theo tỷ lệ phần trăm giá bán tính thuế) với sản phẩm đồ uống có cồn. Mức thuế suất áp dụng được tăng theo lộ trình từ năm 2016 (hình dưới).
Nghiên cứu mới đây của Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), chỉ ra rằng, phương pháp thuế tương đối đối với đồ uống có cồn đã mang lại kết quả đáp ứng được mục tiêu áp thuế tiêu thụ đặc biệt trong những năm trước đây.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, phương pháp này bộc lộ một số hạn chế trong việc đáp ứng mục tiêu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt; chưa đạt được hay chưa tối ưu được các mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Cụ thể, về mục tiêu giảm tiêu thụ rượu bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng:Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ đồ uống có cồn cao nhất trong khu vực. Hơn một nửa lượng tiêu thụ là thuộc khu vực phi chính thức, chiếm tới 57% lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam trong năm 2019.
Về mục tiêu đảm bảo nguồn thu cho ngân sách:Mặc dù nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng nhưng Chính phủ không thể thu được tối đa thuế tiêu thụ đặc biệt cho đồ uống có cồn do tồn tại trọng yếu của thị trường phi chính thức.
Năm 2019, 57% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam không được ghi nhận và do đó không bị đánh thuế. Điều này có nghĩa là Chính phủ chỉ thu được 43% tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt của đồ uống có cồn tiêu thụ trên thị trường cho ngân sách nhà nước, dẫn tới thiệt hại khoảng 2.816 triệu USD trong năm 2019.
Về mục tiêu bảo đảm trung lập, bình đẳng trong chính sách thuế:Các sản phẩm nhập khẩu có gánh nặng thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn sản phẩm sản xuất trong nước, do đó chưa phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định Thương mại tư do (FTA) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Về mục tiêu phù hợp với xu hướng toàn cầu và thực hiện các cam kết quốc tế: Hiện nay, các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, ví dụ như Malaysia, Phillipine, Thái Lan, Singapore đều đã chuyển sang thực hiện phương pháp thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp với đồ uống có cồn.
Ưu, nhược điểm của thuế hỗn hợp
Không phải ngẫu nhiên ngày càng nhiều quốc gia áp dụng mô hình thuế hỗn hợp. Theo nghiên cứu của Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh (Eurocham), mô hình thuế hỗn hợp có ba ưu điểm chính. Đó là giúp giảm tiêu thụ cồn; giảm sản phẩm bất hợp pháp; tăng cường sự công bằng về thuế giữa các sản phẩm có giá trị thấp và giá trị cao.
Nhóm nghiên cứu cho biết, phương pháp thuế tương đối có khả năng làm cho nhà sản xuất và người tiêu dùng hướng đến việc lựa chọn các sản phẩm có giá thấp với nồng độ cồn cao. Do đó, nếu chỉ sử dụng phương pháp thuế tương đối có thể dẫn đến việc những người không tiêu thụ đồ uống có cồn với nồng độ cồn cao bắt đầu sử dụng các sản phẩm này vì giá của các sản phẩm này thấp. Việc bổ sung một thành phần thuế tuyệt đối giúp tạo ra một mức giá tối thiểu nhất định cho các sản phẩm có nồng độ cồn cao, giúp ngăn chặn việc gia tăng tiêu thụ các sản phẩm có nồng độ cồn cao rẻ tiền.
Việc áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp, khi được thiết lập ở một tỉ lệ thích hợp, sẽ giúp giảm sự chênh lệch giá giữa các sản phẩm hợp pháp có giá cao và các sản phẩm bất hợp pháp giá thấp hơn đối với các sản phẩm cùng một nồng độ cồn. Từ đó giảm hoạt động buôn lậu, hàng giả vì người tiêu dùng sẽ chấp nhận mức giá cao hơn vừa phải để có được sản phẩm đạt chất lượng, chính hãng.
Trong bối cảnh của một doanh nghiệp có một danh mục sản phẩm đa dạng vừa có giá trị thấp và cao, cách tiếp cận của phương pháp thuế hỗn hợp công bằng hơn so với phương pháp thuế tương đối. Phương pháp thuế hỗn hợp có thể được coi là một sự thỏa hiệp, và Chính phủ có thể điều chỉnh tỷ lệ của các thành phần thuế tương đối và tuyệt đối để đáp ứng mục tiêu chính sách mà không làm cho điều kiện kinh doanh của các sản phẩm quá khác biệt.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, phương pháp tuyệt đối có hiệu quả hơn trong việc hạn chế tiêu dùng đồ uống có cồn và việc quản lý thị trường bất hợp pháp, nhưng hiện tại, phương pháp này lại không phù hợp hoàn toàn với Việt Nam.
"Phương pháp thuế hỗn hợp kết hợp các yếu tố của cả phương pháp thuế tương đối và phương pháp thuế tuyệt đối, và có thể là phương pháp phù hợp cho Việt Nam tại thời điểm hiện tại nhằm đáp ứng mục tiêu chính sách do Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như phù hợp với xu hướng toàn cầu", nhóm nghiên cứu đề xuất.
Đây cũng là phương pháp trung gian để chuyển đối từ phương pháp thuế tương đối sang thuế tuyệt đối
Theo đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, Việt Nam nên áp dụng cách tính thuế hỗn hợp đơn giản và dễ hiểu, tránh việc sử dụng nhiều bậc thuế hoặc yêu cầu tính toán quá phức tạp.
Chính phủ cũng cần tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc thay đổi chính sách thuế theo định hướng: “sản phẩm nồng độ cồn cao có giá cao” và “uống ít hơn nhưng uống sản phẩm tốt hơn”.
Về mặt kỹ thuật, thuế hỗn hợp tính toán có phần phức tạp hơn do có cả hai thành phần thuế tương đối và thuế tuyệt đối. Tuy nhiên, chỉ cần thực hiện những thay đổi nhỏ về quản lý thuế để triển khai mô hình thuế hỗn hợp. Những thay đổi này đều có thể được thực hiện dựa trên kinh nghiệm từ các quốc gia khác đã áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp, song vẫn duy trì tính linh hoạt để phù hợp với nhu cầu của thị trường Việt Nam.
“Việt Nam có cơ sở hạ tầng quản lý thuế phát triển để quản lý các loại thuế tiêu dùng như thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó, Việt Nam đã sẵn sàng để có thể áp dụng cách tính thuế hỗn hợp trong chính sách thuế thuế tiêu thụ đặc biệt, giúp bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và tuân thủ cao hơn”, nghiên cứu nhấn mạnh.
Trước đó, tháng 4.2022, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố nghiên cứu về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn, trong đó khuyến nghị Chính phủ áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp thay vì thuế tương đối như hiện nay.
Nghiên cứu của CIEM cho thấy, mô hình thuế hỗn hợp sẽ giúp Nhà nước đạt được tốt hơn các mục tiêu chính sách với mặt hàng này.
Cụ thể, áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp sẽ khiến giá sản phẩm rượu ở phân khúc cao cấp rẻ hơn tương đối so với chính nó nếu áp thuế tương đối. Như vậy, người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng nhóm sản phẩm đồ uống có cồn với chất lượng tốt hơn, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm… và do đó tăng thêm nguồn thu ngân sách từ khu vực đồ uống có cồn chính thức.
Kết quả ước lượng của CIEM cho thấy, thuế hỗn hợp giúp tăng thu ngân sách khoảng 25% so với thuế tương đối.
Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 7.2023, liên quan đến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với rượu, bia phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế và góp phần hạn chế sử dụng.