Cùng với đó, Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nêu rõ: “Phía Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm".
Có thể nói đây là tin vui rất lớn, đặc biệt với ngành nông nghiệp và nông dân nước ta. Bởi lẽ, Trung Quốc thị trường lớn của nông sản Việt và xuất khẩu chính ngạch là giải pháp căn cơ để đưa nông sản vào thị trường này, trong đó có mặt hàng dưa hấu.
Theo số liệu mới nhất Tổng cục Hải quan vừa công bố, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 55,46 tỷ USD, tăng hơn 2,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ nhất chính là rau quả. Hết tháng 11, rau quả xuất sang Trung Quốc đã mang về cho Việt Nam 3,4 tỷ USD, tăng 2,6 lần, tương ứng với 2,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ 90% lượng vải thiều và sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam; 80% lượng xuất khẩu thanh long…
Những con số nói trên cho thấy tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc với hàng hóa nông sản Việt Nam nói chung và rau quả nói riêng. Bên cạnh đó, chúng ta có lợi thế là rất gần với Trung Quốc, ngay cả các chợ đầu mối nông sản lớn của Trung Quốc đều nằm dọc giáp biên giới nước ta nên chi phí logistics rẻ hơn nhiều nước khác. Người dân Trung Quốc cũng có xu hướng tiêu dùng, văn hóa giống người Việt Nam. Do vậy, bên cạnh mở cửa, tìm kiếm thị trường mới thì điều quan trọng là phải giữ được thị trường truyền thống này và khai thác tốt hơn - bởi mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu tới 260 tỷ USD hàng nông sản, thực phẩm từ các nước và Việt Nam mới chỉ bán sang được khoảng 5%.
Chúng ta trước đây thường nghĩ thị trường Trung Quốc dễ tính nhưng càng ngày quan niệm đó càng sai lầm. Những doanh nghiệp có thâm niên hàng chục năm xuất khẩu sang Trung Quốc này đều biết, đây là thị trường khó tính không khác gì Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ, Nhật Bản… và yêu cầu càng ngày càng cao về chất lượng sản phẩm. Vì thế, xuất khẩu chính ngạch là giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản, giúp ngành nông nghiệp nước ta tránh cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam đang xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc những “mặt hàng chính ngạch” như sầu riêng, thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít, măng cụt, chuối tươi, khoai lang… Trong đó, Trung Quốc đã cho phép dưa hấu Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này nhưng chưa ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật. Vì vậy, việc ký kết Nghị định thư nói trên là bước quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch dưa hấu và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu mặt hàng này giữa hai nước.
Không chỉ vậy, xuất khẩu chính ngạch còn là động lực để nông dân nước ta sản xuất chuyên nghiệp hơn. Chẳng hạn, theo yêu cầu của đối tác và kiểm dịch thực vật, diện tích vùng trồng được cấp mã số để xuất khẩu ít nhất phải 10ha trở lên. Điều này khuyến khích người dân chung tay hợp tác với nhau. Thực tế, các mã số vùng trồng được cấp thời gian qua đều có diện tích trên 10ha, có mã số lên đến hàng trăm hécta. Đặc biệt, khi xuất khẩu chính ngạch, người dân buộc phải nâng cao trình độ, kiến thức để bảo đảm kiểm soát các sinh vật gây hại mà không ảnh hưởng tới môi trường; đồng thời phải áp dụng quy trình kỹ thuật giống nhau để tạo ra sản phẩm đồng đều, bảo đảm chất lượng. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm, giá cả tăng lên và uy tín xuất khẩu của Việt Nam cũng được củng cố.
Với những lợi ích "nhãn tiền" đó, hiện thực hóa cam kết “thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam” trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc là yêu cầu quan trọng và cấp bách với ngành nông nghiệp và các ngành liên quan lúc này, nhất là khi yêu cầu của phía bạn ngày càng cao trong khi việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở nước ta đòi hỏi không ít thời gian.