Hội thảo nhằm tổng kết dự án Hỗ trợ thiết lập Đài quan sát Hạn hán và khởi động dự án Phân tích nhu cầu, khả năng và cung cấp nước cho cây trồng cà phê tại cao nguyên miền Trung.
Việt Nam đã từng ghi nhận nhiều thời điểm hạn hán lớn. Lần đầu tiên diễn ra trong giai đoạn 1994 - 1998 và lần gần nhất là 2014 - 2016 đã khiến sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại lớn, lên tới 70%. Do đó, Nhà nước đã phải thông báo tình trạng khẩn cấp ở 13/53 tỉnh thành. Kinh tế bị thiệt hại nghiêm trọng do hạn hạn, giảm đáng kể mức sống của cư dân nông nghiệp.
Chính vì vậy, dự án Hỗ trợ thiết lập Đài quan sát hạn hán được thực hiện, với mục tiêu cho phép xác định nhanh hơn các thảm họa tiềm tàng về nông nghiệp nhờ hệ thống cảnh báo sớm; xác định một cách phù hợp nhất các tác động cần thiết nhờ vào việc lập bản đồ các chỉ số tổn thương sinh kế trước biến đổi khí hậu; xây dựng chiến lược riêng cho từng địa điểm, nhằm giảm thiệt hại cho nông dân trước hậu quả của biến đổi khí hậu.
Sau giai đoạn triển khai dự án (2019 – 2021), một hệ thống cảnh báo sớm được đưa vào sử dụng.
Phát biểu tại Hội thảo, GS. Bernard Tychon, Đại học Liège cho biết, Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức về biến đổi khí hậu, hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Dự án đã đạt được những kết quả nhất định. Ô mong muốn sẽ được áp dụng vào thực tiễn để hỗ trợ Việt Nam phân tích nhu cầu, khả năng cung cấp nước cho cây trồng cà phê tại cao nguyên vùng Tây Nguyên, nhất là ở tỉnh Gia Lai.
Đặc biệt, đây là tiền để cho dự án Phân tích nhu cầu, khả năng và cung cấp nước cho cây trồng cà phê tại cao nguyên miền Trung Việt Nam.
Dự án này ra đời trong bối cảnh ngành cà phê Việt Nam đã tạo ra nhiều việc làm, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Tuy nhiên, sản xuất cà phê còn đang gặp nhiều vấn đề, chủ yếu là gia tăng nhu cầu sử dụng nước và nhu cầu tưới tiêu. Bên cạnh đó, hạn hán, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng mưa không ổn định cũng tác động tới sản xuất cà phê.
Các đối tác tin tưởng, triển khai dự án trong giai đoạn 2022 – 2024 sẽ giúp phía Việt Nam hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của hạn hán đến môi trường, các điều kiện kinh tế xã hội trong vùng trồng cà phê; đồng thời thu thập thông tin về nhu cầu cấp nước, phân tích chi phí - lợi nhuận được lồng ghép vào nghiên cứu tính khả thi của dự án.
Đại diện Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và Chính phủ vùng Wallonie của Bỉ tại Việt Nam Nicolas Dervaux cho biết, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để các dự án này có thể triển khai hiệu quả.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, địa phương đã có những dự báo, phân tích, đánh giá khó khăn, thuận lợi trong việc hỗ trợ cấp nước cho cà phê tại Tây Nguyên, từ đó đã đưa ra giải pháp cụ thể, sâu sát với thực tiễn.