Tăng tốc độ đọc với AI
Yêu thích đọc sách từ nhỏ và làm việc trong môi trường có nhiều người đam mê đọc sách, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT chia sẻ tại chương trình giao lưu “Khuyến đọc - Hành trình lan tỏa văn hóa đọc” mới đây: “Đọc sách là một phần công việc của chúng tôi. Thường xuyên làm công việc mới, đặc thù mỗi ngành nghề khác nhau, nên tôi phải liên tục bổ sung kiến thức. Chẳng hạn, ngoài kiến thức nền tảng đã có, tôi đọc các tài liệu liên quan như chuyển đổi số, ứng dụng marketing hiện đại, trải nghiệm khách hàng… Bởi vậy, việc đọc sách là không thể thiếu. Sách có thể là sách giấy, tài liệu nghiên cứu hàng trăm trang, sách nói, sách hình - video giảng dạy mới”.
Ông Tiến cho biết ứng dụng AI giúp tăng gấp khoảng 20 lần so với trước đây trong việc đọc, nghe, xem. Trước khi đọc sách lĩnh vực nào đó, ông thường tìm sách mà những nhà quản trị hàng đầu thế giới đang đọc; tìm kiếm, đọc những lời nhận xét, đánh giá từ chuyên gia trong các lĩnh vực về cuốn sách…
Sau khi có thông tin về một cuốn sách cụ thể, được đánh giá cao, ông Tiến không tìm kiếm sách ngay mà dùng các ứng dụng AI như ChatGPT, Gemini… ra lệnh tóm tắt sách trong 10 trang, yêu cầu nói rõ chủ đề bản thân quan tâm và cùng chủ đề này có những cuốn sách nào được đánh giá cao... Bởi vậy, thay vì mất vài ngày tới một tháng, chỉ sau 1 - 2 tiếng ông có thể nắm được những thông tin cần thiết về các cuốn sách.
“Từ những gì tìm hiểu được, với sách hay, tôi sẽ chọn mua sách giấy. Trong khoảng 20 cuốn sách đọc bằng AI thì sẽ đọc 1 cuốn sách giấy. Nhờ đó, giúp tăng tốc độ đọc” - ông Tiến chia sẻ kinh nghiệm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, trong bối cảnh hiện nay, để bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, doanh nhân cũng phải đọc nhiều để cập nhật kiến thức. Để làm được như vậy, cần có công nghệ đọc nhanh, tìm từ khóa, cách tóm lược được nội dung cuốn sách, cũng như sử dụng AI.
Thay đổi theo thói quen của độc giả
Nhiều độc giả, đặc biệt độc giả trẻ, cũng thay đổi cách thức đọc - chuyển từ đọc sách giấy (truyền thống) sang đọc sách điện tử (ebook) hoặc nghe sách nói. Không chỉ thay đổi trong việc đọc nhanh với AI, hiện nay, nhiều độc giả đã thay đổi thói quen mua sách, từ các kênh truyền thống (cửa hàng sách) chuyển mạnh sang online (các nền tảng thương mại trực tuyến). Những thói quen mới của độc giả buộc các đơn vị xuất bản phải tìm ra định hướng phát triển cho mình nếu không muốn bị tụt hậu.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ TikTok Việt Nam cho biết, với mong muốn thúc đẩy văn hóa đọc, 2 hashtag TuSachTikTok và BookTok đã được thực hiện, mỗi hashtag thu hút vài chục tỷ lượt xem ở Việt Nam.
Năm 2022, ở TikTok phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức chương trình đào tạo cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành; đồng thời hỗ trợ trực tiếp việc đưa sách lên nền tảng này, như quảng cáo, voucher cho các chương trình hàng tháng, hàng năm. Sau một năm rưỡi, lượng sách tiêu thụ từ TikTok chiếm khoảng 25% lượng sách được tiêu thụ ở thị trường Việt Nam. Khoảng 3 - 4 triệu đơn hàng được bán trên nền tảng này mỗi năm, trong đó khoảng 37% lượng sách bán ra là sách giáo dục.
Theo thống kê, doanh thu năm 2023 của ngành hàng sách vượt mốc 500 tỷ đồng, tăng trưởng hàng quý ổn định mức 15%. Ngoài sách giáo dục, sách xã hội và nhân chủng học (28%), sách văn học (10%) và sách thiếu nhi (9%) là các mảng sách có doanh thu tốt nhất năm 2023.
Các nhà xuất bản, phát hành đang dần thích nghi tốt với xu hướng mua sắm kết hợp giải trí. 54% doanh thu đến từ video ngắn, trong khi doanh thu livestream tăng trưởng 12% theo quý. Hoạt động livestream diễn ra sôi nổi, phiên livestream có doanh thu cao nhất năm 2023 đạt gần 300 triệu đồng, chỉ trong vòng 3 tiếng bán ra hơn 2.000 đơn hàng…
Đưa sách lên đa nền tảng
Trong một cuộc làm việc với Cục Xuất bản, In và Phát hành và một số đơn vị làm sách, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghệ số của cách mạng 4.0 sẽ không chỉ được ứng dụng mà còn làm thay đổi căn bản cách sáng tạo sản phẩm, cách sản xuất, phương tiện truyền tải và phân phối của ngành xuất bản.
Người Việt vẫn đang đọc sách, nhưng theo những cách mới mẻ hơn, ví dụ như sử dụng ChatGPT. Trong những câu trả lời của ChatGPT chắc chắn là có tri thức từ sách và chatbot này có thể như một người giới thiệu sách thay vì là người tiêu diệt sách.
Trong bối cảnh đó, xuất bản cũng cần thay đổi cách tiếp cận để phù hợp với xu hướng đọc mới: đưa sách lên môi trường mạng, tạo nhiều phiên bản đa dạng cho một nội dung. Một quyển sách ra đời phải nghĩ ngay đến các phiên bản trên Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, phiên bản để Google tìm kiếm, phiên bản để ChatGPT đưa vào hệ tri thức của nó; rồi phiên bản tóm tắt, phiên bản dưới dạng các câu trích dẫn ngắn để gây cảm hứng tư duy; phiên bản âm thanh, rồi cả phiên bản in đẹp và cao cấp...
“Một quyển sách in có thể tiếp cận chỉ hàng nghìn, chục nghìn, trăm nghìn người nhưng hình tướng ngắn gọn và đa nền tảng của nó có thể tới được hàng triệu người và nhiều hơn thế. Vì vậy mà giá trị của nó cũng tăng lên” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Thay vì e ngại sự vô vạn hình tướng làm mất đi độc giả của sách, nhờ sự đa dạng này, sách sẽ có cơ hội tiếp cận đến nhiều đối tượng độc giả hơn. Bởi khi tiếp cận phiên bản tóm tắt với số trang chỉ bằng 10 - 20% bản gốc, mỗi người Việt Nam sẽ có cơ hội đọc nhiều sách hơn mỗi năm, tiếp thu kiến thức và tư tưởng chính một cách hiệu quả. Nhờ vậy, tri thức của cộng đồng sẽ được nâng cao, đồng thời khuyến khích nhiều người tìm đến và khám phá bản đầy đủ. Đó cũng là tương lai của sách.