Ý nghĩa của Luật mới
Luật EMBAG đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực không ngừng của Thụy Sĩ nhằm tích hợp các nguyên tắc nguồn mở vào các chức năng của Chính phủ. Với động thái trên, Thụy Sĩ muốn thúc đẩy môi trường cởi mở và hợp tác. Thực tế đây không hoàn toàn là điều mới đối với quốc gia châu Âu này, bởi vào năm 2011, Tòa án Tối cao Liên bang Thụy Sĩ đã đưa ra Open Justitia, một ứng dụng tòa án được phát hành theo giấy phép OSS. Bất chấp sự phản đối từ các công ty phần mềm như Weblaw, sáng kiến đã đặt nền móng cho việc áp dụng OSS rộng rãi hơn trong khu vực công.
Theo luật mới, các cơ quan chính phủ được yêu cầu phát hành phần mềm của họ theo giấy phép OSS, chỉ có ngoại lệ đối với quyền của bên thứ ba hoặc các lo ngại liên quan đến bảo mật. Điều đó bảo đảm rằng, công chúng có thể truy cập được mã nguồn, thúc đẩy tính minh bạch và cho phép sự giám sát, cải tiến từ bên ngoài. Ngoài việc bắt buộc mã OSS, EMBAG cũng yêu cầu các cơ quan chính phủ Thụy Sĩ công bố dữ liệu chính phủ không mang tính cá nhân và không nhạy cảm với bảo mật cho công chúng. Gọi đây là Dữ liệu Chính phủ Mở, khía cạnh này của luật mới góp phần vào cách tiếp cận "mở theo mặc định" kép, cho phép tái sử dụng phần mềm và dữ liệu dễ dàng hơn, đồng thời cũng giúp quản trị minh bạch hơn.
Xu hướng thế giới
Động thái của Thụy Sĩ phù hợp với một xu hướng rộng lớn hơn trên khắp châu Âu hướng tới việc áp dụng OSS trong các hoạt động của Chính phủ. Các nước như Pháp và Đức đã có nhiều bước tiến đáng kể theo hướng này. Chẳng hạn, Lực lượng hiến binh quốc gia ở Pháp sử dụng Linux trên hầu hết các PC của họ, trong khi bang Schleswig-Holstein ở Đức mới đây cũng chuyển 30.000 máy tính từ các sản phẩm của Microsoft sang Linux và LibreOffice. Linux là nền tảng mã nguồn mở và miễn phí dành cho người dùng trên toàn thế giới. Liên minh châu Âu cũng đã hỗ trợ OSS thông qua các sáng kiến như dự án Kiểm toán phần mềm nguồn mở và miễn phí (FOSSA), nhằm mục đích nâng cao tính bảo mật của phần mềm nguồn mở.
Tuy nhiên, có những lo ngại về tương lai của OSS ở châu Âu, đặc biệt liên quan đến khả năng cắt giảm tài trợ từ Ủy ban châu Âu. Nguồn tài trợ như vậy rất quan trọng cho việc phát triển và duy trì các dự án OSS, và bất kỳ cắt giảm nào cũng có thể ảnh hưởng đến tính bền vững và tăng trưởng của các sáng kiến nguồn mở.
Ngược lại với châu Âu, Mỹ tỏ ra thận trọng hơn trong việc áp dụng OSS trong Chính phủ. Trong khi có một số chính sách thúc đẩy OSS, chẳng hạn như Chính sách mã nguồn Liên bang, yêu cầu các cơ quan phát hành ít nhất 20% mã được phát triển tùy chỉnh mới của họ dưới dạng OSS, Mỹ không có yêu cầu bao trùm như luật EMBAG của Thụy Sĩ. Cơ quan Quản lý dịch vụ tổng hợp (GSA) cũng khuyến khích xuất bản mã nguồn mở khi yêu cầu các tổ chức của mình phải giải trình và công bố bất kỳ mã nguồn mở nào, nhưng những nỗ lực này tương đối hạn chế so với cách tiếp cận toàn diện mà Thụy Sĩ đã thực hiện.
Luật Thụy Sĩ không chỉ bắt buộc sử dụng OSS mà còn yêu cầu phát hành công khai phần mềm và dữ liệu do Chính phủ phát triển. Vì vậy, đây có thể là mô hình cho những thay đổi tiếp theo trên khắp châu Âu và Mỹ.
Nếu thành công, động thái này có thể dẫn đến khả năng hợp tác lớn hơn giữa Chính phủ, người dân và cộng đồng công nghệ, giúp đến hoạt động của Chính phủ an toàn, hiệu quả và minh bạch hơn. Việc phát hành dữ liệu và phần mềm của Chính phủ theo giấy phép OSS cũng có thể thúc đẩy đổi mới, khi các nhà phát triển và nhà nghiên cứu có quyền truy cập vào các tài nguyên có giá trị để tạo ra các giải pháp mới và cải tiến những hệ thống hiện có.