Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung, đại diện một số cơ quan của QH và một số thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội đồng thời là các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, dân số.
Toàn cảnh phiên họp |
Theo Tờ trình dự án Luật Dân số do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày tại Phiên họp, sau khi tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các chuyên gia tại Phiên họp mở rộng hôm 5.4, Bộ Y tế đã khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ dự án Luật và tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung cụ thể. Dự thảo hiện nay về cơ bản đáp ứng được yêu cầu do Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra, đó là: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là các vấn đề sàng lọc trước sinh, sơ sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản; chiều cao; tuổi thọ cùng các giải pháp cụ thể, thiết thực của công tác y tế đặc trưng gắn với dân số và phát triển.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình dự án Luật Dân số |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, Nghị quyết số 21 định hướng công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Vì thế, Chính phủ đã xây dựng dự án Luật với phạm vi điều chỉnh toàn diện để phù hợp với chủ trương, định hướng chính sách dân số của Đảng trong tình hình mới.
Một nội dung đang được dư luận quan tâm hiện nay là có hạn chế mức sinh của mỗi cặp vợ chồng như giai đoạn trước khi có Nghị quyết 21 nữa hay không? Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: dự thảo Luật quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con tốt.
Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 21 đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, quy mô dân số 104 triệu người, giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng, 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân nên có 2 con.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Phiên họp |
Dự thảo Luật mới nhất mặc dù đã tiếp thu nhiều nội dung được Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, các chuyên gia góp ý tại phiên họp 5.4, bỏ đi nhiều nội dung mang tính tuyên ngôn, khẩu hiệu… nhưng theo đánh giá của các đại biểu, vẫn phải tiếp tục làm rõ tính cụ thể, khả thi của dự thảo Luật mới đủ điều kiện trình QH. Đơn cử như việc bảo đảm nguồn lực để thực hiện các chính sách dân số, đặc biệt là nguồn lực về tài chính, ngân sách; nội dung, trách nhiệm và cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý nhà nước về dân số; chế tài xử lý các vi phạm pháp luật về dân số… Nhiều vấn đề khác cũng phải được giải trình thuyết phục hơn như: xã hội hóa đối với công tác dân số thì cụ thể là xã hội hóa các nội dung nào, công tác nào, với đối tượng nào…; nội hàm của khái niệm chất lượng dân số ra sao; mục tiêu cao nhất phải đạt được của việc ban hành dự luật Dân số này là gì?
Thống nhất với quan điểm của cơ quan soạn thảo về việc không phải nội dung nào của Nghị quyết 21 cũng có thể được cụ thể hóa trong phạm vi của dự luật Dân số mà Chính phủ có thể sử dụng nhiều công cụ khác, nhiều văn bản pháp luật để điều chính, điều hành, quản lý nhưng một số đại biểu cũng lưu ý rằng, phải tính toán phạm vi điều chỉnh của dự luật một cách rõ ràng hơn, có thể thu hẹp phạm vi điều chỉnh, trên cơ sở đó xác định rõ các giải pháp pháp lý để bảo đảm tính khả thi của luật.