Bài viết này chỉ nhằm hệ thống hóa một số vấn đề liên quan trực tiếp hoặc có tác động mạnh mẽ đến chất lượng và hiệu quả điều hành của chủ tọa các kỳ họp, tức là của Thường trực HĐND và đối tượng nghiên cứu chủ yếu là ở cơ quan dân cử cấp tỉnh.
Theo chúng tôi, việc chủ tọa, điều hành các kỳ họp cần chú ý một số vấn đề then chốt sau đây:
Một là, Công tác chuẩn bị cho kỳ họp quyết định chất lượng và hiệu quả chủ tọa điều hành kỳ họp. Trước hết, cần rà soát kỹ nội dung các báo cáo của cơ quan dân cử, cơ quan điều hành và các đơn vị thuộc khối nội chính sẽ trình HĐND xem xét, bao gồm các báo cáo tổng hợp về phát triển KT - XH; kết luận của các Đoàn giám sát; các tờ trình, dự thảo Nghị quyết chung và chuyên đề; báo cáo thẩm tra; các bảng thuyết minh chi tiết của các đồ án quy hoạch và của các chương trình, dự án trọng điểm; các văn bản giải trình bổ sung của UBND và các sở, ngành... Việc rà soát nội dung sẽ giúp Thường trực và các ban HĐND làm tốt các công việc:
Thống nhất trong Hội nghị liên tịch gồm HĐND - UBND và Ủy ban MTTQ về toàn bộ nội dung, chương trình và kế hoạch phối hợp giữa các bên để đạt mục đích, yêu cầu đề ra đối với kỳ họp một cách tốt nhất. Kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp những nội dung chính sách chưa được chuẩn bị chu đáo và không có tính khả thi.
Xác định nội dung trọng tâm của kỳ họp; để lập kế hoạch chi tiết, phân bổ thời gian một cách hợp lý, phân công điều hành giữa các thành viên chủ tọa kỳ họp.
Xác định và giao cho Văn phòng tiếp tục thu thập thông tin để cung cấp cho Chủ tọa và bổ sung tư liệu tham khảo cho đại biểu HĐND, bao gồm các văn bản pháp luật có liên quan; liệt kê các vấn đề đã nêu trong các dự thảo Nghị quyết nhưng vẫn còn có ý kiến khác nhau; các ý kiến tư vấn, phản biện của chuyên gia, của các cơ quan báo chí... Trên cơ sở đó xác định các vấn đề cần chú ý để chủ tọa hướng dẫn thảo luận và tranh luận nhằm tạo sự đồng thuận khi HĐND xem xét, biểu quyết. Đồng thời giao trách nhiệm cho các Ban và Văn phòng chuẩn bị thêm về nội dung thuộc trách nhiệm của mình và chủ động xử lý những vấn đề về hậu cần, kỹ thuật.
Thực tế cho thấy, việc không cung cấp đủ các văn bản pháp luật hiện hành và một số thông tin, tư liệu quan trọng cho đại biểu HĐND đã làm cho việc thảo luận một số nội dung tại kỳ họp kéo dài hơn mức cần thiết.
Tuy không phải là một hình thức liên hệ cử tri và tham vấn công chúng thông thường nhưng Văn phòng vẫn phải chuẩn bị một số câu hỏi điều hành giúp chủ tọa định hướng việc thảo luận tại kỳ họp; để nâng cao chất lượng việc chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo sự phân công, người chủ tọa, điều hành phiên họp, buổi họp cần chủ động nêu các câu hỏi có tính gợi mở; nêu câu hỏi bổ sung khi thấy xuất hiện những vấn đề mới, có tầm chính sách để thúc đẩy việc thảo luận đi vào những vấn đề cốt lõi, tạo không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn; giúp cơ quan và đại biểu dân cử thu thập được nhiều kiến nghị, nhiều phản biện có giá trị.
Hai là, Nắm vững và thực hiện tốt một số nguyên tắc trong điều hành các kỳ họp của cơ quan dân cử là dân chủ, thẳng thắn nhằm tìm ra phương án chính sách tối ưu, đảm bảo lợi ích của nhà nước và của công dân; quyết định theo đa số; giữ vững định hướng chính trị của Đảng.
Việc thảo luận dân chủ đòi hỏi phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, khả thi của chính sách đang được HĐND xem xét thông qua, biết tôn trọng, lắng nghe những ý kiến phản biện. Khi tổng hợp ý kiến thảo luận cần chú ý đề xuất của các nhóm lợi ích, trong đó ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách có vị trí đặc biệt quan trọng.
Theo qui định của Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật, cơ quan chịu trách nhiệm dự thảo chính sách phải tổ chức lấy ý kiến của những người được hưởng lợi cũng như những người chịu tác động tiêu cực và các đối tượng liên quan khác. Đối với những chính sách quan trọng nên áp dụng hình thức đăng tải công khai trên các cơ quan báo chí, trên mạng thông tin điện tử để lấy ý kiến công chúng.
Tuy vậy vì nhiều lý do, các đơn vị được phân công chuẩn bị các tờ trình và dự thảo nghị quyết chưa làm tốt việc này, có khi còn bỏ sót những đối tượng chủ yếu của chính sách, chắc chắn sẽ gây khó khăn cho chủ tọa khi điều hành thảo luận tại kỳ họp.
Trong trường hợp này, ngay ở giai đoạn chuẩn bị kỳ họp, Thường trực và các Ban HĐND cần yêu cầu UBND đôn đốc chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến bổ sung có sự phối hợp của cơ quan dân cử. Nếu xét thấy cần thiết, HĐND cũng có thể tự mình triển khai một số hoạt động tham vấn với sự tham gia của các ngành chức năng, của mặt trận và các đoàn thể và của các đơn vị tư vấn, chuyên gia để thu thập thêm thông tin, nhất là khi có nhiều ý kiến khác nhau về một vấn đề cụ thể.
Cơ quan dân cử nhiều tỉnh, thành phố như Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Bình Thuận, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh... đã tổ chức tham vấn về chương trình xóa đói giảm nghèo; về tăng múc thu học phí ở các trường công lập; về trật tự, văn minh đô thị... nên đã nâng cao chất lượng và tính khả thi của các Nghị quyết của HĐND; tạo sự đồng thuận tốt hơn trong bộ máy chính quyền địa phương và trong xã hội.
Nếu tại kỳ họp, vẫn còn một số chủ trương, giải pháp chưa hoàn toàn sáng rõ; ví dụ như chưa cân đối đủ nguồn lực để thực thi chính sách hoặc nguồn lực chưa chắc chắn thì chủ tọa nên yêu cầu các ngành chức năng giải trình thêm để đại biểu có cơ sở xem xét, thảo luận. Cách làm này được nhiều đại biểu quan tâm khi nghiên cứu bảng cân đối vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm trong kế hoạch 5 năm và hàng năm; nhất là đối với nguồn vốn vay; vốn huy động từ các doanh nghiệp và toàn xã hội; khi xem xét tổng biên chế hành chính sự nghiệp...
Về lựa chọn phương án tối ưu, điều khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ quan trình dự thảo thường chỉ đề xuất một phương án duy nhất; quĩ thời gian dành cho từng chuyên đề lại quá ngắn; nên các cơ quan và đại biểu hội đồng nhân dân không kịp suy nghĩ để kiến nghị một kịch bản so sánh, có tính đến tổng lợi ích và tổng chi phí; tác động tích cực và tác động tiêu cực đối với các nhóm đối tượng khác nhau. Chủ động “đặt hàng” ngay từ đầu đối với cơ quan điều hành để đơn vị được phân công nghiên cứu kỹ 2,3 phương án khác nhau và áp dụng phương pháp đánh giá tác động chính sách (RIA) sẽ giúp cơ quan dân cử chọn được kịch bản tốt nhất.
Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn cần được chuẩn bị chu đáo để có thể mổ xẻ một cách sâu sắc, toàn diện những vấn đề bức xúc mà cử tri kiến nghị. Việc kiểm tra đôn đốc và thái độ khích lệ của Thường trực Hội đồng trong quá trình chuẩn bị và khi điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Đặng Văn Khoa ở TP Hồ chí Minh và nhiều đại biểu khác nhờ giữ mối liên hệ máu thịt với cử tri, sâu sát người dân, sâu sát cơ sở nên đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn xác đáng, có cứ liệu minh họa nhiều khi đã “làm nóng” nghị trường một cách lành mạnh, thực sự đề cao được trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; thúc đẩy tìm ra giải pháp tháo gỡ nhiều vấn đề bức xúc kéo dài của nhân dân. Thái độ khuyến khích của đồng chí chủ tịch HĐND Thành phố Hồ chí Minh và Thường trực HĐND cũng như nhiều Tỉnh đã làm cho phiên chất vấn thêm sinh động, thu hút và tạo sự đồng thuận trong công chúng.
Ba là, không ngừng đổi mới phương thức chủ tọa, điều hành các kỳ họp theo hướng bám sát chương trình, kịch bản đã định nhưng có sự linh hoạt khi cần thiết. Kinh nghiệm điều hành theo phương thức cuốn chiếu, dứt điểm từng nội dung khi thảo luận các nghị quyết chuyên đề cần được phát huy, vì cách làm này sẽ tạo điều kiện cho đại biểu nghiên cứu sâu hơn về các vấn đề cốt lõi, chủ tọa kỳ họp dễ hệ thống hóa ý kiến tham gia; thư ký đoàn cũng có thuận lợi để ghi biên bản kỳ họp và tham gia chỉnh lý các dự thảo Nghị quyết trình HĐND xem xét thông qua.
Chủ tọa cần chủ động, tự tin, nắm vững vấn đề, biết gợi mở và lắng nghe; không áp đặt ý kiến cá nhân để khích lệ đại biểu thẳng thắn trình bày suy nghĩ của mình và nêu kiến nghị cụ thể đối với chính sách đang được xem xét.
Khi điều hành, chủ tọa phải luôn chú ý để việc thảo luận đi đúng trọng tâm; có giải pháp khéo léo để kiểm soát tốt thời gian; không để đại biểu đi lạc đề hoặc chỉ chú trọng nêu dẫn chứng vụ việc mà không kiến nghị được những vấn đề có tầm chính sách.
Khi phân công trong chủ tọa, nên bố trí cho đồng chí Chủ tịch HĐND trực tiếp điều hành các phiên, các buổi họp quan trọng hoặc có những ý kiến trái chiều, đồng thời phải phát huy vai trò và tính chủ động của từng thành viên trong Thường trực, của Thư ký đoàn và của bộ máy Văn phòng giúp việc.
Chủ tọa phải vừa trực tiếp điều hành thảo luận, vừa theo dõi chặt chẽ hoạt động của thư ký đoàn và của văn phòng để đôn đốc việc hoàn chỉnh nội dung các dự thảo nghị quyết; ấn hành văn bản; cung cấp thông tin bổ sung và đáp ứng các yêu cầu phát sinh về hậu cần, kỹ thuật...
Một vấn đề cần lưu ý là chủ tọa nên kịp thời hội ý để giải quyết tốt những nội dung phát sinh ngoài kịch bản; không nên vội vàng đưa ra những nhận xét mang tính kết luận khi chưa thu thập đủ thông tin về sự kiện; hoặc chưa đủ căn cứ pháp lý. Việc để “cháy giáo án” khi điều hành thảo luận, dẫn đến việc kéo dài thời gian kỳ họp là một điều nên tránh không chỉ vì sự bất lợi về mặt tâm lý trong số đông đại biểu mà còn bộ lộ rõ tính không chính qui trong điều hành của chủ tọa kỳ họp.
Việc chủ tọa, điều hành kỳ họp của Thường trực HĐND đòi hỏi người điều hành phải có một số kiến thức và kỹ năng nhất định bên cạnh sự tận tâm mà thành viên nào cũng có. Kiến thức và kỹ năng này phần lớn chưa được bồi dưỡng, đào tạo từ các trường lớp chính quy mà chủ yếu được rèn luyện qua thực tiễn hoạt động. Coi trọng thực hiện chế độ sơ kết, tổng kết, kịp thời đúc rút kinh nghiệm nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục những thiếu sót, tồn tại là cách làm hay nhất trong điều kiện phần lớn đại biểu HĐND các cấp là kiêm nhiệm và quĩ thời gian dành cho hoạt động dân cử bị hạn chế; nguồn nhân lực và kinh phí cũng chưa đáp ứng được nhu cầu... Ngoài ra, còn có một số hướng về đổi mới phương thức chủ tọa điều hành tại các kỳ họp với sự tham dự của Trưởng hoặc Phó ban HĐND bên cạnh Thường trực đang được một số cơ quan và địa phương nghiên cứu, nhưng đó cũng chỉ là sự gợi mở để tiếp tục đi sâu phân tích về mặt lý luận và thực tiễn vì nó đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đặc biệt là Luật tổ chức HĐND và UBND và Qui chế hoạt động của HĐND các cấp thuộc thẩm quyền của Quốc hội và UBTVQH.