Theo báo cáo được Brand Finance, Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, vừa công bố, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, đạt 74% trong giai đoạn 2019 - 2022.
Cụ thể, năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá 274 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD tăng 29%, năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21%, thì năm 2022 đã là 431 tỷ USD, tăng 11%.
Đáng chú ý, trong khi nhiều nước không duy trì được thứ hạng của thương hiệu quốc gia hậu quả của đại dịch Covid-19 và những xung đột, bất ổn về địa chính trị đang diễn ra trên toàn cầu thì Việt Nam tiếp tục được nâng hạng trong Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Từ vị trí 42 năm 2019, Việt Nam tăng 9 bậc trong năm 2020 và duy trì vị trí 33 trong 2 năm liên tiếp. Năm 2022, Việt Nam tăng hạng 1 bậc lên vị trí 32.
Về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance đánh giá, trong Top 100 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam, mức tăng trưởng về giá trị cũng rất cao - lên tới 36%, so với mức tăng trưởng ở Singapore là 22%, Indonesia 22%, Ấn Độ 16%, Malaysia 10%, Trung Quốc 6%, Nhật Bản 5% và ở Thái Lan là 4%.
Kết quả tích cực trên khẳng định các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Cùng với đó là sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp góp phần gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, đóng góp vào thành công này có vai trò quan trọng của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ, được tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.
Với sự hỗ trợ của Chương trình, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, giá trị doanh nghiệp. Nhờ đó, ngày càng có nhiều thương hiệu Việt gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.
Năm nay, trong số Top 100, Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam do Brand Finance công bố, có rất nhiều doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam như Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hòa Phát, Vietnam Airlines…
Trên cương vị Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã triển khai nhiều hoạt động hướng đến một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp trên thị trường thế giới để nâng cao thế mạnh của thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Đồng thời, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hoá, du lịch để thu hút các nhà nhập khẩu, nhà đầu tư, người tiêu dùng thị trường trong nước và quốc tế.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức thành công chuỗi hoạt động thuộc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2022, Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia năm 2022; Tuyên truyền quảng bá Ngày Thương hiệu Việt Nam 20.4 trên các phương tiện truyền thông; Tổ chức Triển lãm sản phẩm Thương hiệu Quốc gia.
Đặc biệt, 2022 là năm đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Ủy ban nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài triển khai quảng bá Thương hiệu Quốc gia thông qua cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt ở nước ngoài. Đây là cầu nối quan trọng giúp đưa các thương hiệu Việt Nam tiếp cận sâu, rộng hơn với thị trường quốc tế, đặc biệt là các kênh phân phối do người Việt quản lý và sở hữu.
Cũng trong nửa đầu năm nay, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai trên 15 chương trình xúc tiến thương mại, giao thương; tham gia quảng bá sản phẩm tại các sự kiện hội chợ triển lãm lớn tại nước ngoài với quy mô lớn; hỗ trợ hơn 200 lượt doanh nghiệp tham gia, củng cố quan hệ bạn hàng cũ và tìm hiểu, khai thác cơ hội xuất khẩu mới; thực hiện 5 hoạt động xúc tiến thương mại lớn cấp vùng với sự tham gia của hơn 1.500 lượt doanh nghiệp…
Đáng chú ý, các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai cả trực tiếp và trực tuyến nhằm phát huy các lợi thế của hoạt động gặp gỡ giao thương trực tiếp theo truyền thống, đồng thời khai thác tối đa các ưu thế của hình thức xúc tiến thương mại qua môi trường số, trước, trong và sau hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống.
Theo đánh giá của giới chuyên gia và doanh nghiệp, việc đẩy mạnh, triển khai ngay các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cơ hội mở cửa sớm sau đại dịch đã hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh và củng cố, mở rộng thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.