Đây là thông tin được nêu ra tại tọa đàm giới thiệu Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021, do Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức, chiều 25.10.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc Quỹ VIFOTEC cho biết, giải năm nay có sự tham dự của 19 tỉnh, thành phố và 2 bộ (Bộ Quốc phòng và Bộ Công thương), 1 Sở, 1 tập đoàn gửi công trình tham dự cùng một số tác giả gửi trực tiếp cho Ban tổ chức.
Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021 sẽ diễn ra lúc 20h30 ngày 27.10.2022, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam.
Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự Lễ trao giải.
Ban tổ chức cho biết, có 110 công trình tham dự giải, được chia theo 6 lĩnh vực, gồm: Cơ khí, tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Sau thời gian chấm giải nghiêm túc, trung thực, khách quan, Hội đồng giám khảo đã chọn ra 45 công trình để trao thưởng, với 4 giải Nhất (80 triệu đồng/giải), 8 giải Nhì (60 triệu đồng/giải), 14 giải Ba (40 triệu đồng/giải) và 19 giải Khuyến khích (20 triệu đồng/giải).
Ngoài Bằng khen, cúp và tiền thưởng, Thủ tướng Chính phủ cũng tặng Bằng khen cho 5 cá nhân là Chủ nhiệm và đồng Chủ nhiệm của 2 công trình đoạt giải Nhất.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức sẽ khen thưởng 10 đơn vị và 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, phổ biến Giải. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo cho các tác giả là Chủ nhiệm và đồng Chủ nhiệm của các công trình đoạt giải Nhất, Nhì, Ba. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen và Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho các tác giả đoạt giải Nhất, Nhì, Ba đang tuổi thanh niên.
Ngoài ra, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao giải WIPO cho 2 công trình xuất sắc, gồm: Công trình “Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, bện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm” của tác giả TS. Hoàng Đức Thảo, Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và công trình “Ứng dụng công nghệ phễu bê tông trong việc gia cố nền đất yếu tại Việt Nam” của KS. Phạm Thành Công và cộng sự, Tập đoàn GFS.
Theo TS. Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ VIFOTEC, sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, Quỹ VIFOTEC đã tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, 16 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, 17 lần Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.
“Thông qua Giải thưởng, Hội thi và Cuộc thi, các nhà khoa học và sáng tạo cả nước đã ứng dụng thành công và hiệu quả hàng nghìn sáng kiến sáng chế vào sản xuất và đời sống, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt làm cho sáng tạo khoa học công nghệ trở thành phong trào tích cực trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp, trong nhân dân. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được tặng thưởng trong nước và quốc tế”, TS. Lê Xuân Thảo phát biểu.
Cũng theo TS. Lê Xuân Thảo, Quỹ VIFOTEC về cơ bản hoạt động theo đúng tôn chỉ mục địch đã đặt ra. Giải thưởng VIFOTEC đang trở thành Giải thưởng đứng thứ 3, sau Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.
Mục tiêu của Quỹ VIFOTEC đến năm 2025
Nâng cao chất lượng của từng công trình dự Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam, nâng số lượng tham gia lên 120 – 150 công trình/năm (thay vì 90 – 120 công trình/năm như trước); nâng số lượng tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lên 800 – 1.000 đề tài/năm/cuộc.
Bên cạnh đó, Quỹ sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ sau giải thưởng ít nhất 10 đề tài công trình đoạt giải thưởng có hiệu quả ứng dụng vào cuộc sống và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động vận động tài trợ và quan hệ đối ngoại, mục tiêu vận động tài trợ cho Quỹ VIFOTEC nâng lên bằng 20 – 50% số hỗ trợ của Nhà nước hàng năm cho Quỹ.