Cần thiết đưa phân bón vào diện chịu thuế
Phân tích vì sao phải áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với phân bón, ông Hoàng Văn Cường, ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, trước đây mặt hàng này thuộc diện chịu thuế 5%. Nhằm hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân, tháng 11.2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13), chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế. Việc này vô hình trung khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm.
“Điều này bất hợp lý ở chỗ Nhà nước muốn khuyến khích, hỗ trợ nông nghiệp, nông dân nhưng lại chuyển gánh nặng sang cho doanh nghiệp sản xuất phân bón”, ông Cường nhận xét. Mặt khác, phần lớn các nước đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT nên doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.
“Đến thời điểm này, cần nghiên cứu chính sách thuế GTGT để đạt được mục tiêu giảm chi phí cho nông dân, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp nhưng không bắt doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chịu gánh nặng ấy”, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, cũng ủng hộ áp thuế GTGT với phân bón. Theo ông, thời gian qua, mặt hàng này không thuộc diện chịu thuế, dẫn đến tình trạng “cháy nhà hai đầu”. Nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm - nghĩa là mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được. Nhà nước mất khoản thu thuế nhập khẩu từ doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực phân bón. Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước rơi vào thế yếu trong cuộc cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nước ngoài.
Theo PGS.TS. Lý Phương Duyên, Giảng viên cao cấp Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT là phù hợp với định hướng mở rộng cơ sở thuế của Chính phủ.
Chọn thuế suất 0% hay 5%?
Sự cần thiết phải đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT đã rõ, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là áp thuế suất nào: 0% hay 5%?
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế phân tích ưu, nhược điểm của từng kịch bản với doanh nghiệp, nông dân và Nhà nước.
Cụ thể, áp thuế suất 0%, Nhà nước giảm thu ngân sách 1.500 tỷ đồng; áp thuế suất 5%, Nhà nước tăng thu 4.200 tỷ đồng. Với doanh nghiệp, ở cả 2 kịch bản đều có lợi ích như nhau, đều có cơ hội tiết kiệm chi phí sản xuất thông qua hoàn thuế GTGT đầu vào, vốn, vật tư máy móc thiết bị… Tuy nhiên, kịch bản 5% có lợi hơn kịch bản 0% đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước. Vì nếu áp thuế 0%, doanh nghiệp nhập khẩu cũng không chịu thuế, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài như nhau. Nếu thuế 5%, doanh nghiệp nhập khẩu, sản phẩm đầu ra cũng chịu thêm 5% giá bán, doanh nghiệp trong nước sẽ có dư địa lợi hơn nhiều, không những có cơ hội tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tác động thúc đẩy sản xuất trong nước nhiều hơn.
Về giá cả - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân - trong cả hai kịch bản đều khó dự báo. Về lý thuyết, doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất sẽ có cơ hội, dư địa để giảm giá bán, nhưng không luôn luôn dẫn đến giảm giá bán. Giá bán phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, trong cả 2 kịch bản, chưa chắc giảm giá bán.
Trong hai kịch bản, ông Nguyễn Văn Phụng nghiêng về phương án 5%. Lợi ích trước nhất chính là tăng thu ngân sách đối với phân bón nhập khẩu, trong khi thị trường vẫn giữ mặt bằng giá bán. Nông dân có cơ hội yêu cầu doanh nghiệp bán giá mới thấp hơn, khi đã được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Cùng với đó, khấu trừ thuế GTGT đầu vào sẽ đón được cơ hội gia tăng đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế hướng đến kinh tế xanh đang thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông, hiện nay, nông dân sử dụng nhiều phân hóa học. Nếu áp thuế 5%, phần ngân sách thu được có thể điều tiết, tài trợ phát triển phân bón hữu cơ.
Ủng hộ áp thuế suất 0%, ĐBQH Hoàng Văn Cường phân tích: chúng ta đang đề xuất tiếp tục miễn thuế đất nông nghiệp cho nông dân với tổng số tiền là 7.500 tỷ đồng; nếu áp thuế GTGT 5% với phân bón, lập tức nông dân phải bỏ ra 5.700 tỷ đồng cho chi phí sản xuất nông nghiệp. Phân bón là đầu vào sản xuất nông nghiệp, đầu ra là sản phẩm nông nghiệp; trong đó sản phẩm nông nghiệp cây trồng không chịu thuế đầu ra, người nông dân không được khấu trừ thuế đầu ra, phải chịu thuế đầu vào. Doanh nghiệp đang phải gánh chịu thuế đầu vào, nếu áp thuế 5% tức là lại đẩy gánh nặng đó sang cho nông dân, như vậy là không công bằng. “Áp thuế suất 0% là hợp lý và tạo sự hài hòa, công bằng cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, ông Cường nhấn mạnh.
Dự kiến Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp cuối năm nay. “Ý kiến của các diễn giả tại tọa đàm sẽ là nguồn thông tin tham khảo tin cậy và hữu ích đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cũng như với Chính phủ trong quá trình hoàn thiện chính sách thuế GTGT với mặt hàng phân bón nói riêng và với dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) nói chung”, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
----------
Tọa đàm có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC)