
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, thực tiễn hoạt động của hệ thống bộ máy nhà nước cấp huyện qua nhiều giai đoạn khác nhau của cách mạng, từ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đến lúc đất nước thanh bình và nhất là hơn 20 năm của sự nghiệp đổi mới đều cho thấy: HĐND cấp huyện đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; thay mặt cho nhân dân toàn huyện thực hiện tốt hai chức năng chủ yếu là quyết định và giám sát theo quy định của pháp luật; hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND cấp huyện có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin và từng bước đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân.
Từ những quy định chặt chẽ của pháp luật, chức năng quan trọng nhất của HĐND cấp huyện đã được thực tiễn hoạt động của từng địa phương khẳng định. Đó là chức năng quyết định những vấn đề lớn, những vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển KT – XH của địa phương. Quyết định của HĐND huyện là biểu hiện tập trung ý chí và nguyện vọng của nhân dân – Là quyết định của nhân dân trong toàn huyện. Cũng từ đó, Chức năng quyết định của HĐND cấp huyện là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho việc mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động ở địa phương. Đó cũng chính là điều kiện quan trọng để góp phần xây dựng và củng cố một nền dân chủ thực sự của xã hội XHCN.
Song cùng với chức năng quyết định, HĐND cấp huyện đã triển khai thực hiện khá tốt chức năng giám sát đối với UBND, Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân trên địa bàn. Hoạt động giám sát của HĐND huyện là công cụ quan trọng nhằm kiểm soát và đôn đốc quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội và HĐND các cấp. Hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND huyện đã góp phần tạo bảo đảm sự cân bằng cần thiết trong mối quan hệ giữa quyền lực và trách nhiệm của các cơ quan quản lý điều hành, cũng như hoạt động của các cơ quan tư pháp từ huyện đến cơ sở.
Trong nhiều năm qua, tiếp xúc với cử tri, tiếp dân và đôn đốc việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân trên địa bàn vừa là trách nhiệm bắt buộc vừa là điều kiện để HĐND huyện thực sự là cơ quan dân cử cấp huyện - Cơ quan mang tính đặc thù riêng có của nhân dân trên địa bàn huyện. Tính đặc thù riêng có ấy đã làm cho mối liên hệ giữa HĐND, các đại biểu HĐND với nhân dân trong toàn huyện gần gũi và gắn bó hơn. HĐND huyện là nơi mà nhân dân thông qua đại biểu của mình để trao đổi, giãi bày và gửi gắm tâm tư nguyện vọng, là chỗ dựa về tinh thần, về pháp lý cũng như sự công minh cho mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh khác nhau của xã hội ở trên địa bàn huyện.
Thực tiễn cho thấy, vị trí, vai trò của HĐND cấp huyện theo quy định hiện hành của pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc vừa củng cố sức mạnh của hệ thống bộ máy nhà nước cấp huyện, vừa phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn. Với định hướng và xu thế phân cấp mạnh như hiện nay, điều đó lại càng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả với những ý nghĩa quan trọng nói trên là vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Thực tế về hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND huyện là vấn đề còn nhiều băn khoăn, rất cần được nghiên cứu để thấy rõ hơn thực trạng của nó. Có nhiều vấn đề đang đặt ra và có thể bắt đầu từ nhiều việc khác nhau để xem xét, nhưng không thể không bắt đầu từ những tồn tại và hạn chế có tính phổ biến sau đây của HĐND cấp huyện:
Một là, tính độc lập, khách quan cần có trong việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND huyện theo quy định của pháp luật còn hạn chế. Trong một số trường hợp, khả năng thẩm tra và phản biện của HĐND trước khi quyết định một số vấn đề quan trọng là chưa thật tích cực. Cá biệt, có những vấn đề mà cơ quan soạn thảo đưa ra chưa thật thuyết phục nhưng vẫn thuận chiều thông qua.
Hai là, chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của các ban và của HĐND chưa cao, chưa đáp ứng tốt nhất những yêu cầu mà pháp luật quy định; hiệu lực và khả năng điều chỉnh đối với tổ chức và cá nhân chịu sự giám sát còn hạn chế. Vai trò đại diện của HĐND cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân trong một số trường hợp chưa thể hiện rõ. Năng lực hoạt động của đại biểu HĐND huyện, nhất là khả năng lắng nghe, tiếp nhận và xử lý thông tin từ cử tri, từ nhân dân của một số đại biểu HĐND huyện chưa tốt, chưa phản ánh và giải quyết được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Ba là, chất lượng và hiệu quả làm việc của Thường trực HĐND cấp huyện còn nhiều hạn chế, quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện về vị thế cũng như năng lực để giữ mối quan hệ công việc giữa Thường trực HĐND với UBND cũng như một số ban ngành cấp huyện chưa tốt. Chất lượng quản lý, chỉ đạo của Thường Trực HĐND đối với bộ máy văn phòng HĐND và UBND quá nhiều hạn chế - Cơ bản là không bảo đảm, tình trạng không điều hành được bộ máy văn phòng giúp việc cho HĐND, Thường trực và các ban HĐND huyện hiện đang là tình trạng khá phổ biến ở nhiều địa phương.
Có nhiều nguyên nhân làm cho hoạt động của HĐND cấp huyện còn những tồn tại và hạn chế nói trên, trong đó một số nguyên nhân sau đây cần phải được nghiên cứu để tháo gỡ.
Trước hết là cơ cấu bộ máy của HĐND cấp huyện còn nhiều điểm chưa hợp lý: Bộ máy cán bộ chuyên trách của HĐND huyện chỉ có quy định cụ thể đối với Phó chủ tịch và Uỷ viên Thường trực, không có quy định cụ thể đối với các ban. Theo đó, hầu hết bộ máy chuyên trách của HĐND ở các huyện hiện tại chỉ có 2 chức danh nói trên, thành viên các ban và số đại biểu còn lại đều hoạt động kiêm nhiệm. Cơ cấu các ban HĐND huyện cũng chưa hợp lý, theo quy định hiện hành, HĐND cấp huyện chỉ có hai ban, trong đó Ban kinh tế - xã hội phải đảm nhận các công việc ở cả hai lĩnh vực lớn là kinh tế – ngân sách và văn hoá - xã hội, vì vậy rất khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Liên quan đến các điều kiện bảo đảm: Cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý bộ máy văn phòng giúp việc là vấn đề bất hợp lý nhất hiện nay. Văn phòng HĐND và UBND huyện là văn phòng giúp việc chung cho cả HĐND và UBND, nhưng do lãnh đạo UBND huyện trực tiếp quản lý, điều hành; lãnh đạo và chuyên viên văn phòng đều làm việc kiêm nhiệm, vừa tham mưu cho cơ quan điều hành - thực hiện, vừa tham mưu cho cơ quan giám sát - kiểm tra, điều đó là hoàn toàn không hợp lý. Do không có cán bộ chuyên trách của văn phòng giúp việc, Thường trực HĐND huyện không chủ động được việc quản lý, điều hành lực lượng văn phòng. Từ đó, công tác tham mưu, tổng hợp cũng như các điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động của HĐND, của Thường trực HĐND, các ban và các đại biểu HĐND thường xuyên gặp khó khăn. Điều này hạn chế trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả chung của HĐND huyện.
Tính hệ thống của các cơ quan dân cử không được xác lập: Mối liên hệ giữa các cơ quan dân cử thiếu tính hệ thống từ Trung ương đến địa phương; hoạt động của HĐND cấp dưới không chịu sự quản lí, chỉ đạo của HĐND cấp trên; HĐND cấp trên không chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND cấp dưới. Về mặt lý luận, vấn đề này nhằm thực hiện tính độc lập và quyền lực tương đối của HĐND các cấp, nhưng trong thực tế thì đây là vấn đề cần phải được nghiên cứu để điều chỉnh. Bởi lẽ, thực trạng đó đã làm cho hoạt động của HĐND các cấp rơi vào tình trạng đơn biệt, thiếu gắn bó, thiếu sự hợp tác trao đổi, theo đó không tạo ra được sức mạnh cần thiết của hệ thống.
Công tác đại biểu chưa được quan tâm: Trong điều kiện năng lực và kinh nghiệm hoạt động của đại biểu HĐND còn nhiều hạn chế nhưng công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu các cấp không được quan tâm. Trong 4 năm vừa qua, đại biểu HĐND huyện chỉ được ngành nội vụ tổ chức tập huấn một lần ngay sau khi được bầu làm đại biểu. Từ đó đến nay đại biểu HĐND huyện không được tập huấn bồi dưỡng thêm về kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho năng lực đại biểu tiếp tục còn hạn chế ở nhiều mặt.
Từ thực trạng với những nguyên nhân nói trên, hoạt động của HĐND cấp huyện vốn đã khó lại càng khó thêm. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND cấp huyện ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; vị trí, vai trò của HĐND cấp huyện cũng vì thế mà bị ảnh hưởng và không thể không bị mờ nhạt. Điều đó xảy ra là hoàn toàn ngoài ý nguyện của nhân dân. Để HĐND cấp huyện hoạt động có hiệu quả, thực hiện đúng chức năng và quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện hành, cần phải bàn đến nhiều vấn đề liên quan, trước mắt xin được nêu một vài biện pháp để cùng nghiên cứu và tham khảo:
Trước hết là điều chỉnh lại tổ chức bộ máy, tách Ban KT – XH của HĐND huyện thành 2 ban, là Ban KT – NS và Ban VH – XH; xác định số lượng tối thiểu các đại biểu chuyên trách của các ban HĐND huyện, trong đó có trưởng hoặc phó ban là cán bộ chuyên trách. Thành lập văn phòng HĐND huyện do Thường trực HĐND trực tiếp quản lý chỉ đạo, độc lập tương đối với chức năng của văn phòng UBND để chủ động trong công tác tham mưu, phục vụ cho HĐND, Thường trực và các ban của HĐND.
Trong lúc chưa thành lập được văn phòng riêng của HĐND huyện. Để mọi hoạt động của HĐND cấp huyện không bị đình trệ, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu tham mưu với Chính phủ điều chỉnh lại nội dung của Khoản 10 - Điều 7 trong nghị định 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ vừa mới ban hành ngày 04.02.2008. Bởi lẽ, theo khoản 10 của điều 7 nói trên thì văn phòng HĐND và UBND chỉ cung cấp thông tin cho HĐND, còn toàn bộ hoạt động của HĐND, của Thường Trực HĐND và các ban của HĐND cấp huyện sẽ không có sự giúp việc của bộ máy tham mưu và tổng hợp.
Bên cạnh những quy định bảo đảm cho tính độc lập trong quá trình hoạt động của HĐND các cấp, cần quy định và xây dựng mối quan hệ công việc vừa có tính phối hợp, vừa có tính thứ bậc giữa các cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương, nhằm tạo nên sức mạnh cần có của cả hệ thống.
Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng và cập nhật thông tin cho đại biểu HĐND; xây dựng quy chế và các tiêu chí đánh giá, phân loại, định kỳ đối với đại biểu HĐND; lấy chất lượng hoạt động của từng đại biểu làm yếu tố quan trọng góp phần từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND.
Tháo gỡ được những vấn đề nói trên, HĐND cấp huyện sẽ có điều kiện để thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ theo quy định. Đó cũng chính là vấn đề không thể không làm để đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.