Phục vụ Nhân dân tốt hơn, thuận lợi nhiều hơn
Sắc lệnh số 63 SL ngày 22.11.1945 ghi: ở hai cấp xã và tỉnh có HĐND và Ủy ban hành chính (UBHC) còn ở cấp huyện chỉ có UBHC. Như vậy ngay từ đầu thành lập nước, chỉ có cấp tỉnh và cấp xã mới có tổ chức chính quyền. Đến nay kinh tế phát triển, điều kiện giao thông thuận lợi, thông tin bùng nổ, trình độ cán bộ công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dân trí được nâng cao, không để chính quyền cấp huyện nữa là đúng đắn. Điều đó phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và khả năng giữ vững ổn định, cũng cố an ninh, quốc phòng ở nước ta. Gần tám mươi năm trước, không những cấp xã đã tổ chức xây dựng chính quyền có HĐND và UBHC, mà mô hình xã nhiều nơi đã bao gồm nhiều xã hiện nay! Quy mô xã lúc bấy giờ dựa vào địa hình đất đai, đồi núi, sông ngòi; đồng thời chú trọng dân cư, lịch sử, phong tục tập quán, tín ngưỡng, thờ tự của từng vùng. Những yếu tố này rất cần thiết để nghiên cứu, cân nhắc khi tiến hành sát nhập cấp xã để ổn định lòng dân.
Khi không tổ chức chính quyền cấp huyện, nhiệm vụ quyền hạn của cấp huyện sẽ được chuyển cho cấp tỉnh và cấp xã với mục tiêu phục vụ Nhân dân tốt hơn, thuận lợi nhiều hơn. Với rất nhiều nhiệm vụ của cấp huyện chủ yếu sẽ giao cho chính quyền cơ sở; nơi gần dân, sát dân và nắm bắt ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân nhiều và nhanh nhất. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện sẽ được xem xét, nghiên cứu giao cho chính quyền cơ sở.
Danh xưng hội tụ, phát triển mạnh mẽ lâu dài
Nói nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện giao cho cấp xã nhưng thực chất cấp huyện có cả thành phố, thị xã, quận… mà mỗi loại hình chính quyền lại có thêm những nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau. Hơn nữa, khi sáp nhập cấp xã thì có cả thị trấn, phường… nhiệm vụ của mỗi loại hình cũng có những nội dung khác. Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi, các điều, khoản sẽ ghép lại, nhưng nói chung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở sẽ nhiều và nặng nề hơn. Nên chăng Chính quyền cấp xã nên gọi: Chính quyền cơ sở sẽ bao quát hơn, gần gũi với dân và phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp.

Mô hình chính quyền cơ sở mới sẽ dựa vào hướng dẫn của cấp trên, nhưng quá trình thực hiện cần xem thêm tình hình thực tế của từng nơi, nên nghiên cứu những mô hình trước đây và ý muốn của người dân để áp dụng có lý, có tình. Vừa qua, nhiều phương án sáp nhập cấp xã do cấp huyện đưa ra chưa thật khách quan, dân chủ. Khi nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cơ sở tăng lên khá nhiều mà sát nhập năm sáu xã có nơi mười xã thì quá rộng; rồi cán bộ nào cũng khó quản trị, điều hành. Do đó chỉ nên hai, ba xã sát nhập lại với nhau sẽ phù hợp hơn.
Khi sát nhập hình thành chính quyền mới, tên gọi cũng là vấn đề cần cân nhắc khách quan và đúng với định hướng chung. Tất nhiên đơn vị mới không thể ghép tên các xã cũ hợp nhất lại, mà nên ngắn gọn, dễ nhớ, mang đặc trưng nổi trội của vùng đất lịch sử, văn hóa đã từ lâu thường nói đến, nhất là du khách thập phương đã ghi nhận và hay nhắc đến. Đó cũng là danh xưng cho sự hội tụ và phát triển mạnh mẽ lâu dài.
Khách quan, công bằng lựa chọn, bố trí cán bộ
Chính quyền cơ sở mới không chỉ rộng lớn được sát nhập, mà quan trọng hơn ở chất lượng, khả năng quản trị, điều hành phục vụ Nhân dân. Từ đó xác định đặt trụ sở mới ở vị trí có tính trung tâm, nhất là có khả năng mở rộng và phát triển lớn mạnh; tạo vị thế khang trang, bề thế. Nơi thực sự để người dân thuận tiện tiếp xúc, giải quyết công việc, giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở khi không có chính quyền cấp huyện, còn chính quyền cấp tỉnh thì ở xa.
Vấn đề quan trọng nhất để chính quyền cơ sở xứng tầm khi phải đảm đương nhiều nhiệm vụ từ chính quyền cấp huyện và bao quát địa bàn rộng lớn là trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Quá trình sáp nhập nổi lên vấn đề bố trí cán bộ cho phù hợp, có năng lực, trình độ để quản lý xã hội thật khoa học; áp dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành. Có thể nói: lực lượng thì nhiều, năng lực dồi dào, kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm thực tế phong phú. Vấn đề còn lại ở cơ quan có thẩm quyền cần khách quan, công bằng để lựa chọn, cân nhắc được những người có trình độ đào tạo chính quy, có đức, có tài thực sự để tham gia bộ máy chính quyền cơ sở. Quan trọng hơn đó là những công bộc được sự tín nhiệm cao của cử tri và Nhân dân để đảm đương chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn lâu dài, đưa chính quyền cơ sở xứng tầm thời đại vươn mình, phát triển.