Chiều sâu văn hóa - lịch sử, ý nghĩa thiêng liêng
Tên gọi tỉnh Bắc Ninh đã có từ năm 1831. Không chỉ là biểu tượng hành chính mà còn là biểu tượng lịch sử, văn hóa sâu sắc gắn với Thủy tổ dân tộc Kinh Dương Vương, biểu tượng của cội nguồn Lạc Việt, gắn với Kinh đô Luy Lâu, minh chứng cho vị thế trung tâm sớm nhất về chính trị, văn hóa và phật giáo của đất nước. Đây là nơi sinh ra và lưu giữ Dân ca Quan họ Bắc Ninh, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận.
Bắc Ninh còn là vùng đất của truyền thống khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều trạng nguyên, tiến sĩ hơn bất kỳ địa phương nào trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Những địa danh như Đền Đô (nơi thờ tám vị vua nhà Lý), chùa Dâu (ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam), chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích không chỉ là di sản văn hóa, mà còn là dấu ấn của một vùng đất từng là trung tâm chính trị và tôn giáo của nước Đại Việt.
Vì vậy, sử dụng tên gọi Bắc Ninh cho tỉnh mới thể hiện chiều sâu văn hóa - lịch sử, mang ý nghĩa thiêng liêng, cội nguồn và tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Là thương hiệu mạnh, có tính nhận diện cao trong nước và quốc tế. Việc chọn tên tỉnh mới là Bắc Ninh (một trong hai tên sẵn có trước sáp nhập) còn giúp giảm thiểu xáo trộn giấy tờ, tiết kiệm ngân sách, nhân lực, thời gian sau sáp nhập.
Dư địa phát triển bứt phá, tầm nhìn dài hạn
Không phải ngẫu nhiên, thành phố Bắc Giang được chọn trở thành thủ phủ, trung tâm "đầu não" hành chính của tỉnh Bắc Ninh (mới). Việc lựa chọn tỉnh lỵ tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang là phù hợp cả về lịch sử, văn hóa, định hướng phát triển và đúng chủ trương tại Kết luận số 130-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Từ thời Pháp thuộc là Phủ Lạng Thương đã được người Pháp lựa chọn là Trung tâm hành chính của khu vực tỉnh Hà Bắc. Tháng 10.1963, Quốc hội quyết định hợp nhất 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh với tên tỉnh là Hà Bắc, chọn thành phố Bắc Giang hiện tại là trung tâm hành chính. Thành phố Bắc Giang đã đóng vai trò là thủ phủ hơn 33 năm của tỉnh Hà Bắc cho đến khi tách thành 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh vào năm 1997.

Đây còn là trung tâm văn hóa, nơi giao thoa giữa văn hóa Kinh Bắc (khu vực Bắc Ninh và Việt Yên, Hiệp Hòa - Bắc Giang) và văn hóa các dân tộc ít người (Tày, Nùng các vùng Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn, Sơn Động của Bắc Giang). Không chỉ vậy, về mặt địa chính trị, thành phố Bắc Giang hiện tại sau khi sáp nhập 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đáp ứng yếu tố Trung tâm của tỉnh, thuận lợi về giao thông đi đến tất cả các địa phương trong tỉnh với khoảng cách từ 40 - 70km (nếu đặt ở thành phố Bắc Ninh khoảng cách lên đến 90km).
Theo Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang: nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 822,71km2, quy mô dân số 1.561.515 người của tỉnh Bắc Ninh và toàn bộ diện tích tự nhiên 3.895,89km2, quy mô dân số 2.057.918 người của tỉnh Bắc Giang để thành lập tỉnh Bắc Ninh. Sau sắp xếp, tỉnh Bắc Ninh có diện tích tự nhiên 4.718,6km2 và quy mô dân số 3.619.433 người. Tỉnh Bắc Ninh có Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang hiện nay.
Nơi đây bảo đảm cơ sở vật chất cho bộ máy hành chính hoạt động ổn định ngay khi sáp nhập và dư địa phát triển một đô thị quy mô lớn hiện đại: Hiện tỉnh Bắc Giang có 2 tòa Trung tâm hành chính (16 tầng); vừa xây dựng xong thêm 1 tòa mới 21 tầng; trước mặt là quảng trường rộng phục vụ khối các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội. Trụ sở Tỉnh ủy và các cơ quan đảng; trụ sở HĐND và UBND tỉnh vẫn bảo đảm chất lượng tốt…
Đặc biệt, đặt trung tâm “đầu não” hành chính của tỉnh mới tại thành phố Bắc Giang sẽ tạo dư địa phát triển bứt phá, tầm nhìn dài hạn tạo động lực mạnh mẽ để tỉnh Bắc Ninh (mới) trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 với khát vọng tạo dấu ấn kỳ tích sông Cầu. Đồng thời, thể hiện tầm vóc và sức vươn mình của đô thị thông qua trục đường huyết mạch kết nối từ trung tâm hành chính mới tới Sân bay Gia Bình với trục cảnh quan đô thị, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hiện đại, đồng bộ với tiêu chí “Thẳng nhất - Đẹp nhất - Hiện đại nhất”.
Như vậy, cơ quan “đầu não” hành chính của tỉnh mới nằm ở thành phố Bắc Giang là sự lựa chọn tối ưu nhất. Điều này dựa trên cơ sở các căn cứ, luận chứng, phân tích khoa học, về pháp lý, lợi thế, tiềm năng, vai trò, vị thế và khả năng kết nối; phù hợp với định hướng quy hoạch điều chỉnh tổng thể, đồng thời bảo đảm đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí về vị trí địa lý và khả năng kết nối, tiếp cận của người dân, doanh nghiệp cả 2 tỉnh hiện nay; phù hợp với vị thế, quy mô phát triển và các yếu tố lịch sử, văn hóa của địa phương…
Hình thành tuyến giao thông kết nối với cảng hàng không quốc tế Gia Bình theo tiêu chí ngắn nhất, đẹp nhất, hiện đại nhất, là nơi có tiềm năng, dư địa phát triển đô thị, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc, gắn kết đôi bờ sông Cầu huyền thoại, gợi nhớ Chiến tuyến sông Như Nguyệt - biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, đoàn kết của Nhân dân hai tỉnh trong công cuộc đổi mới. Góp phần thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh mới đáp ứng tiêu chí đô thị loại I, là thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.