Đáp ứng nhu cầu dạy, học chất lượng cao
Theo báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm, tính đến tháng 3.2025, toàn quận có 102 trường, trong cấp mầm non 48 trường, cấp tiểu học có 28 trường, cấp THCS có 26 trường, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 10 trung tâm học tập cộng đồng, 264 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Hiện quận có 3 trường chất lượng cao.
Theo đánh giá của UBND quận, các trường công lập chất lượng cao trên địa bàn được UBND quận cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất khang trang đầy đủ phòng chức năng, sân chơi; được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý, dạy và học, camera giám sát bảo đảm hoạt động của học sinh được diễn ra an toàn. Giáo viên và học sinh sử dụng thường xuyên, phát huy hiệu quả tốt, đáp ứng nhu cầu dạy và học chất lượng cao.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường công lập chất lượng cao được tuyển chọn 100% giáo viên giỏi các trường công lập trên địa bàn quận, có trình độ chuyên môn vững vàng và nghiệp vụ quản lý tốt; 100% đạt chuẩn và trên chuẩn về đào tạo, không ngừng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, trình độ ngoại ngữ, tin học... Các trường chủ động xây dựng chương trình giáo dục nâng cao đáp ứng với khả năng, nhu cầu của học sinh, điều kiện thực tiễn của nhà trường và yêu cầu của mô hình trường chất lượng cao. Đáng chú ý, khi áp dụng mô hình này, các trường đã bước đầu thực hiện tự chủ chi thường xuyên; tiến tới thực hiện tự chủ về nhân sự.
Theo đại diện Trường THCS Nam Từ Liêm, Tiểu học Nam Từ Liêm và Tiểu học Lê Quý Đôn, các trường đều có cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu giáo dục theo mô hình chất lượng cao; chất lượng giáo viên 100% đạt chuẩn. Sau khi thực hiện mô hình chất lượng cao, chất lượng giáo dục của các trường được nâng lên.
Tăng sức hút cho mô hình trường chất lượng cao
Khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Đoàn giám sát đánh giá trường được xây dựng theo mô hình hiện đại, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và tiệm cận với chuẩn quốc tế; có đủ các phòng học, phòng chức năng được trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ công tác quản lý và dạy học hiệu quả. Đồng thời, nhà trường thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học theo quy định. Trường đã linh hoạt áp dụng với mô hình trường học mới, tiếp cận năng lực học sinh.
Còn tại Trường THCS Nam Từ Liêm, Hiệu trưởng nhà trường Hoàng Thị Yến cho biết, sau khi được công nhận chất lượng cao, trường đã nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện (đặc biệt kết quả xếp loại học lực học tập), thi học sinh giỏi và kết quả thi tuyển sinh lớp 10 liên tục dẫn đầu quận và tốp đầu thành phố. "Tuy nhiên, nhà trường gặp khó khăn khi việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với giáo dục 2% doanh thu; kinh phí ngân sách hỗ trợ theo các nghị quyết chưa đặt vấn đề đầu tư xây dựng, cải tạo các hạng mục lớn. Do vậy, hằng năm các hạng mục sửa chữa của trường (sau khi công nhận chất lượng cao) chưa được ngân sách hỗ trợ", bà Hoàng Thị Yến chia sẻ.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Thủy cho biết, hiện nhà trường gặp một số khó khăn trong đó có việc một số hạng mục cơ sở vật chất lớn xuống cấp (bể bơi, nhà thể chất). Đáng chú ý, nhà trường chưa có khả năng tự cải tạo, sửa chữa, đặc biệt cảnh quan chung của trường do kinh phí tự chủ không bảo đảm cho cải tạo, sửa chữa tổng thể toàn bộ cảnh quan của nhà trường theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Chia sẻ với một số khó khăn của các trường, Đoàn giám sát yêu cầu các đơn vị làm rõ những tiêu chí hiện còn phù hợp hay không, có nội dung nào cần sửa đổi, đề xuất để tới đây HĐND thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình triển khai, thực hiện Luật Thủ đô năm 2024... Mặt khác, Đoàn giám sát cũng quan tâm, đề nghị các trường làm rõ một số nội dung về công tác thu chi của nhà trường; mức trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi xã hội, quỹ phát triển sự nghiệp; những khó khăn, vướng mắc trong đánh giá, kiểm định chất lượng...
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Hà Nội là đơn vị duy nhất thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao; trong đó quận Nam Từ Liêm có 3 trường tham gia, đến thời điểm hiện tại là rất tốt so với một số đơn vị khác. Mặc dù vậy, một số tiêu chí cho mô hình giáo dục chất lượng cao hiện tại không còn nổi trội, vì tới đây, khi Nhà nước miễn học phí các trường công lập, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đạt chuẩn, đội ngũ giáo viên nâng chuẩn... sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh đối với các trường áp dụng mô hình này. Bên cạnh đó, các trường cũng cần đặt ra cơ chế, chính sách liên quan đến chất lượng cao đầy đủ, đồng bộ, bởi mặc dù về mặt tài chính tự chủ nhưng các trường cũng cần đề xuất đầu tư bổ trợ đào tạo bằng ngân sách để nâng mức cạnh tranh, tiếp tục thực hiện mô hình hiệu quả và có thể nhân rộng.
"Thời gian tới, các địa phương và các trường cần định vị lại mô hình, xác định lại chất lượng cao cho phù hợp cả công lập và ngoài công lập hướng theo những tiêu chí của Luật Thủ đô 2024. Trong đó, cần cụ thể hơn một số tiêu chí, chuẩn mới, danh mục đầu tư trang thiết bị... coi đây là giải pháp nâng sức hút cho mô hình này", Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố nhấn mạnh.