Ưu tiên chất lượng, chiều sâu và tính bền vững
Năm 2025, Hải Phòng nổi lên như một "hiện tượng tích cực" trong bức tranh phát triển của Việt Nam. Theo đó, GRDP tăng 11,07% trong quý I - gần chạm mục tiêu năm là 12,5%; dẫn đầu cả nước về Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) và Cải cách hành chính (PAR Index), thành phố cảng đang cho thấy một sức bật mạnh mẽ. Nhưng điều làm nên sự khác biệt không chỉ là những con số biết nói, mà còn là cách thành phố tiếp cận cuộc "cách mạng hành chính" mang tính bước ngoặt của cả nước - sắp xếp lại bộ máy và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp. Giữa guồng quay tăng trưởng mạnh mẽ, Hải Phòng chọn cách "chậm lại" để lắng nghe, thấu hiểu và chăm lo cho từng số phận, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Thành phố không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, mà ưu tiên chất lượng, chiều sâu và tính bền vững.

Bước vào quý II.2025, thành phố đối mặt với một “cuộc cách mạng hành chính” mang tính bước ngoặt: sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp – một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất trong thập kỷ này. Cùng lúc, Hải Phòng vẫn phải giữ vững nhịp tăng trưởng, đạt mục tiêu 12,5% năm 2025, hướng tới mốc 15,65% cho giai đoạn 2026–2030. “Nhiệm vụ kép” đó, trong mắt không ít người, có thể bất khả thi. Lãnh đạo thành phố tin điều ngược lại – rằng cải cách, nếu làm đúng, sẽ tạo lực đẩy mới cho phát triển. Tất cả, bắt đầu bằng việc đặt con người ở vị trí trung tâm.
Cơ hội nâng cao chất lượng sống cho người dân
Quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Hải Phòng tiếp cận theo một cách nhân văn. Thành phố đặt ra những câu hỏi rất cụ thể và đời thường: "Người dân sẽ được gì? Cán bộ có yên tâm không? Ai có thể bị thiệt thòi – và làm sao để không ai bị bỏ lại?
Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 19 vừa được tổ chức, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Lê Tiến Châu đã đề nghị tổng hợp, thống kê các cơ chế đặc thù áp dụng cho các ngành, lĩnh vực đã được HĐND mỗi tỉnh, thành (thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương - tỉnh dự kiến sáp nhập) thông qua để chủ động đề xuất phương án xử lý sau khi sáp nhập, phù hợp với hướng dẫn của Trung ương, với tinh thần chính sách nào ưu việt hơn, có lợi cho người dân và doanh nghiệp hơn thì tiếp tục duy trì để người dân 2 địa phương được thụ hưởng kết quả từ việc sáp nhập.

Không quan trọng nơi nào ban hành, chỉ cần có lợi cho dân – sẽ giữ. Đây không chỉ là một quyết định hành chính, mà là một thông điệp chính trị sâu sắc: cải cách là để phục vụ tốt hơn, công bằng hơn, hiệu quả hơn. Cách làm này của Hải Phòng cho thấy một tư duy hoàn toàn khác biệt so với lối tiếp cận "từ trên xuống". Thành phố bắt đầu từ lợi ích thiết thực của người dân, lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Nhờ vậy, sáp nhập không chỉ là một phép cộng đơn thuần về mặt địa lý, mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng sống cho người dân ở cả hai địa phương.
Xây dựng niềm tin, tạo động lực phát triển
Bên cạnh người dân, một nhóm khác chịu ảnh hưởng sâu sắc từ sáp nhập hành chính là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thay đổi đơn vị công tác, điều chỉnh biên chế, thậm chí thay đổi nơi ở… có thể tạo ra xáo trộn lớn nếu không được chuẩn bị kỹ càng.
Cũng tại Hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 19 vừa được tổ chức, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đề nghị Đảng ủy UBND thành phố chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc (trụ sở, nhà ở, chế độ chính sách…) cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Sự quan tâm này không chỉ mang tính nhân văn, mà là một yếu tố chiến lược: muốn bộ máy hoạt động hiệu quả thì những người trong guồng máy ấy phải yên tâm và đồng lòng.
Chúng ta đã thấy nhiều nơi chưa thành công trong cải cách không phải vì ý tưởng sai, mà vì người thực thi... lo lắng, thiếu tin tưởng. Ngược lại, một khi cán bộ tin tưởng và sẵn sàng đồng hành, bộ máy sẽ vận hành trơn tru, dù mô hình có thay đổi đến đâu. Hải Phòng đang chọn xây trước niềm tin, rồi mới xây mô hình. Thành phố tạo ra một tâm thế sẵn sàng đổi mới, một động lực mạnh mẽ từ bên trong để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Khi đặt người dân và cán bộ vào trung tâm mọi quyết sách, thành phố Hải Phòng không chỉ tinh gọn bộ máy, mà còn xây dựng được một nền tảng phát triển bền vững: sự đồng thuận và niềm tin. Trong một thế giới đầy biến động, đó chính là sức mạnh lớn nhất của một chính quyền kiến tạo.