Đây là thực trạng đáng quan tâm dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng khi mà dân số trong độ tuổi lao động cao gấp 2 lần dân số ngoài độ tuổi lao động. Hằng năm, dân số trong độ tuổi lao động tham gia thị trường lao động chiếm tỷ trọng khá cao, khoảng trên 75%.
Lao động phi chính thức và thách thức "3 không"
Theo số liệu thống kê năm 2021, Việt Nam có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm tới 68,5% tổng số lao động có việc làm. Tỷ lệ này thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Campuchia, Indonesia, Myanmar, song vẫn ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới.
Lao động phi chính thức của Việt Nam không chỉ làm việc trong khu vực phi chính thức mà còn làm việc khá đông trong khu vực chính thức. Tính trong năm 2021, có gần 6 triệu lao động phi chính thức trong khu vực chính thức, trong đó 47,8% nằm trong hộ sản xuất kinh doanh cá thể và 36,9% làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân. 3/4 lao động phi chính thức của Việt Nam cư trú khu vực nông thôn.
Có 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ lao động phi chính thức trên 70%, thậm chí nhiều tỉnh còn trên 80% (26 tỉnh) và tỷ lệ thuận với hộ nghèo của các tỉnh. Hơn 2/3 số lao động phi chính thức (70%) ở độ tuổi từ 25-59, tương đương với sự phân bố độ tuổi của lao động có việc làm chung. Ở nhóm dân số từ 15 đến 19 tuổi, tỷ lệ lao động phi chính thức khá cao, 83,7%. Ở nhóm tuổi 20 đến 24 với 61,8%. Ở nhóm tuổi 25-29 là 54,5%. Sau độ tuổi 29, tỷ lệ lao động phi chính thức bắt đầu tăng lên và tăng mạnh từ nhóm tuổi 45-49 trở đi và đặc biệt cao ở nhóm lao động từ 60 tuổi trở lên (chiếm hơn 90%). Người lao động ở độ tuổi quá trẻ (từ 15 – 19 tuổi) hoặc đã qua độ tuổi lao động (60+) thường phải chấp nhận làm các công việc thiếu bền vững, dễ bị tổn thương hơn lao động ở các nhóm tuổi khác.
Hầu hết (hơn 90%) lao động làm việc trong các ngành công việc thiếu ổn định như: NLNTS; xây dựng. Có tới 41,1% lao động phi chính thức đã làm công việc thiếu ổn định này từ 3 đến 9 năm và 39,1% làm từ 9 năm trở lên. Gần một nửa (47%) số lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và chỉ bằng một nửa thu nhập của lao động chính thức (4,4 triệu đồng so với 8,2 triệu đồng). Có tới 35,6% lao động làm công hưởng lương phi chính thức làm việc vượt quá 48 giờ/tuần, cao hơn 10,1 điểm phần trăm so với lao động làm công hưởng lương chính thức (25,5%). Tuy nhiên, vẫn có 3,5% người lao động phi chính thức thiếu việc làm. Đa số (gần 79%) không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng không bằng văn bản; 97,8% không tham gia vào bất kì một loại hình bảo hiểm nào.
Lao động phi chính thức ở Việt Nam thường làm các công việc giản đơn, ít đòi hỏi trình độ kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn kỹ thuật. Với trình độ chuyên môn thấp (ở cả nam và nữ), lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc.
Với các thực tế này, lao động phi chính thức sẽ phải đối mặt với thách thức "3 không": không bảo đảm về việc làm, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được bảo đảm đầy đủ các điều kiện lao động, đồng thời bị yếu thế trong thỏa thuận tiền lương. Mặc dù những thách thức này tác động khá tiêu cực đến thu nhập, an toàn và sức khỏe của người lao động nhưng đó lại là một lựa chọn không thể khác nhằm đảm bảo cuộc sống của người lao động trong bối cảnh các điều kiện phúc lợi xã hội còn hạn chế hoặc thu nhập từ công việc chính thức không đảm bảo.
Đối với một quốc gia có dân số đông và nền kinh tế phát triển còn ở mức thấp như Việt Nam, việc làm phi chính thức là một phần không thể thiếu, góp phần quan trọng trong quá trình giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, muốn có một nền kinh tế phát triển và bền vững không thể dựa vào thị trường lao động với tỷ lệ phi chính thức cao và để giảm thiểu được việc làm phi chính thức vẫn là bài toán khó.
Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để phát triển kinh tế, giải bài toán chính thức hóa lao động có việc làm phi chính thức. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có: Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20.6.2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1.10.2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (thay thế Quyết định số 1393/QĐ-TTg); Đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm đã đạt được một số kết quả nhất định như: bình quân số lao động được tư vấn hàng năm 2,9 triệu lượt lao động; hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo (đào tạo kỹ năng làm việc, tìm việc; đào tạo khởi sự doanh nghiệp) cho 6.748 thanh niên.
Tuy nhiên, thực tế việc chính thức hoá lao động có việc làm phi chính thức vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Đặc biệt trong 2 năm 2020-2021, sự bùng phát và diễn biến khó lường của đại dịch Covid - 19 đã tác động mạnh khiến tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2021 là 68,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2020. Trong đó, lao động phi chính thức ở khu vực thành thị chịu tác động tiêu cực hơn lao động ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động phi chính thức khu vực thành thị năm 2021 là 4,21%, gần gấp 2 lần so với năm 2020. Đồng thời đại dịch Covid - 19 còn làm gián đoạn đà tăng trưởng thu nhập của lao động nói chung và lao động phi chính thức nói riêng sau nhiều năm, trong đó, nữ giới chịu tổn thương nhiều hơn nam giới với mức thu nhập giảm khá sâu.
Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập
Để cải thiện tình trạng trên, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để: khuyến khích hơn nữa người lao động và người sử dụng lao động thực hiện ký kết hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội; thúc đẩy tạo “việc làm xanh” và phát triển sinh kế bền vững cho người lao động, nhất là lao động yếu thế, xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm; quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, trong đó có chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định về hợp đồng lao động, bảo hiểm… ở các doanh nghiệp cũng như các cở sở sản xuất kinh doanh chính thức có thuê lao động; có chế tài xử lý mạnh hơn những hành vi của người sử dụng lao động cố tình trốn tránh nghĩa vụ đối với người lao động.
Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng thiết thực, hiệu quả, không dàn trải bằng cách tập trung đào tạo những gì thực sự cần thiết để nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, phát triển kỹ năng nghề, đồng thời khuyến khích người lao động tự nâng cao trình độ. Thúc đẩy phát triển nền công nghiệp hiện đại, nhất là tại những địa phương có tỷ lệ lao động phi chính thức cao cần phải tập trung phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư tạo việc làm cho người lao động. Nâng cao hơn nữa hiệu quả kết nối cung cầu lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp, góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đồng thời thông tin về các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm để người dân có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, từ đó, tìm kiếm việc làm mới hoặc chuyển đổi việc làm phù hợp, hiệu quả hơn. Thực hiện tuyên truyền, giải thích hướng dẫn về tầm quan trọng và lợi ích của bảo hiểm xã hội không chỉ đối với người lao động mà với cả người sử dụng lao động, đồng thời cần bổ sung thêm các chế độ được hưởng.