Bangladesh và Bulgaria là những đối tác bạn bè truyền thống đã ủng hộ chúng ta rất mạnh mẽ trong suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và hiện nay Bạn cũng đang rất có nhu cầu hợp tác với ta để cùng nhau phát triển. Bangladesh có vị trí địa chính trị rất quan trọng ở khu vực Nam Á còn Bulgaria có vị trí địa chính trị rất quan trọng ở Nam Âu và bán đảo Balkan.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Bangladesh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước có ý nghĩa rất đặc biệt. Hai nước có quan hệ hữu nghị từ lâu. Lãnh đạo của Bạn là thế hệ những người trước đây đã từng xuống đường để ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, và ngày nay cũng rất ủng hộ chúng ta trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Bangladesh là quốc gia có vị trí địa chính trị rất quan trọng ở khu vực Nam Á. Bạn vừa tổ chức thành công hội nghị về Ấn Độ Dương và có vai trò thúc đẩy thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bangladesh cũng có một nền kinh tế đang phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, đặc biệt với sự lãnh đạo của Thủ tướng hiện tại thì 3 nhiệm kỳ liên tiếp vừa qua, tăng trưởng kinh tế đều duy trì ở mức khoảng 6 - 7%, đưa Bangladesh thành nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu khu vực Nam Á. Với quy mô dân số của Bangladesh hiện nay là 170 triệu người và của Việt Nam là hơn 100 triệu người, đây là thị trường rất lớn cho cả hai bên, trong khi hàng hóa của hai bên cũng có tính bổ trợ cho nhau, cơ hội hợp tác là rất lớn. Hai nước cũng phối hợp, hợp tác với nhau rất chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương. Do vậy, hai nước cần tăng cường thúc đẩy quan hệ về mặt kinh tế, thương mại, đầu tư trên nền tảng quan hệ chính trị vốn đã rất tốt đẹp trong suốt 50 năm qua.
Về hợp tác nghị viện, đây là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Bangladesh, có ý nghĩa rất quan trọng trên kênh Quốc hội để thúc đẩy quan hệ hai nước. Đặc biệt, trong chuyến thăm, hai Chủ tịch Quốc hội đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Quốc hội. Đây là nền tảng pháp lý rất quan trọng để Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ chế khác của Quốc hội như nghị sĩ trẻ, nữ nghị sĩ và nhóm nghị sĩ hữu nghị sẽ thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để Quốc hội hai nước cùng nhau phối hợp thúc đẩy sự phát triển của mỗi nước trong giai đoạn tiếp theo.
Ngoại giao nghị viện ngày càng có vai trò quan trọng trong tổng thể nền ngoại giao chung trên thế giới. Đối với nước ta cũng vậy. Chúng ta triển khai đường lối đối ngoại toàn diện và hiện đại với 3 trụ cột là ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân, trong đó rất chú trọng công tác ngoại giao Quốc hội. Thời gian qua, nhiều hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã được triển khai và trong các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội tới các nước gần đây thì hầu như chúng ta đều ký Bản ghi nhớ hợp tác với Quốc hội bạn hoặc với những nước đã có Bản ghi nhớ hợp tác trước đây thì sẽ ký mới, cập nhật nội dung, lĩnh vực hợp tác cho phù hợp với tình hình mới.
Với Bangladesh, Quốc hội bạn rất hoan nghênh và đánh giá cao việc Quốc hội hai nước ký Bản ghi nhớ hợp tác và cho rằng, qua văn kiện này sẽ cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác trên kênh nghị viện. Ví dụ, hai bên thúc đẩy trao đổi đoàn lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các cấp để trao đổi kinh nghiệm về lập pháp, phối hợp giám sát để các hiệp định, hiệp ước giữa hai Chính phủ được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu; với những hiệp định đa phương thì phối hợp triển khai tốt nhằm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Hai bên cũng có thể tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về những vấn đề, những lĩnh vực cùng quan tâm không chỉ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như các vấn đề quốc tế, các vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng hay ứng phó với biến đổi khí hậu...
Đối với Bulgaria, đây là một trong 10 nước đầu tiên đã công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Lãnh đạo Bulgaria rất quý mến Việt Nam. Trước đây, Bulgaria đã rất tích cực ủng hộ chúng ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhiều thế hệ cán bộ, chuyên gia, công nhân người Việt Nam đã sang học tập và nghiên cứu, lao động tại Bulgaria; hai bên đều cho rằng, đây là tài sản vô cùng quý báu trong quan hệ hai nước.
Bulagaria đã dành cho chúng ta nghi lễ đón cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Bạn đã bố trí tất cả các lãnh đạo cấp cao nhất của bạn tiếp xúc và hội kiến. Trong các cuộc thảo luận, Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo Bulgaria đã trao đổi rất sâu sắc, toàn diện tổng thể mối quan hệ trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ và cả những lĩnh vực hợp tác mới.
Với sự đón tiếp rất trọng thị, tại lễ đón, Bạn đã cử quốc thiều hai nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng tham gia các hoạt động với Chủ tịch Quốc hội ta. Đây là sự đón tiếp rất đặc biệt mà bạn dành Chủ tịch Quốc hội ta và cũng là dành cho Việt Nam như lãnh đạo bạn nói là người bạn tin cậy nhất của Bulgaria ở châu Á và Đông Nam Á và Bạn rất mong muốn tăng cường hợp tác với chúng ta về kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị ngoại giao và vị trí của mỗi nước hai khu vực Đông Nam Á và châu Âu.
Bulgaria có thế mạnh trong những lĩnh vực phát triển như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và thậm chí cả những lĩnh vực như hợp tác về đào tạo trong lĩnh vực quốc phòng. Là thành viên của Liên minh châu Âu, Bulgaria sẵn sàng làm cầu nối để chúng ta phát triển quan hệ với các nước EU cũng như các nước vùng Balkan. Với vị trí địa chính trị quan trọng giao thoa kết nối Á - Âu, Bulgaria cũng là điểm rất quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, việc chúng ta tăng cường thúc đẩy quan hệ theo những hướng mới sẽ làm đa dạng quan hệ của chúng ta, đa dạng thị trường để phát triển ngày càng mạnh mẽ trong thời gian tới.