Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị giao thương nông sản, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức sáng 14.2.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác truyền thống và mang tính định hướng lâu dài. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã xây dựng và triển khai nhiều chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển bền vững. Từ đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT xem 2023 là năm chuẩn hóa các công tác quản lý, từ khâu canh tác, logistics, cũng như quan hệ thương mại với các nước. Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục phối hợp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, hiện tỉnh Lạng Sơn đang duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng). Năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 3 tỷ 100 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 940 triệu USD, nhập khẩu đạt 2 tỷ 160 triệu USD; xuất khẩu nông sản đạt 1,7 triệu tấn, với tổng trị giá khoảng 705 triệu USD… Trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Điển hình là các trái cây chủ lực như thanh long, xoài, mít, vải, dưa hấu, chuối và các loại nông sản khô như thạch đen, tinh bột sắn... Các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu có phát sinh, nhưng chiếm tỷ trọng không đáng kể.

“Từ ngày 8.1.2023 cùng với việc thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Trung Quốc, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống tại một số cửa khẩu đã dần được khôi phục. Việc thông thương, xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra sôi động, lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1.2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1.2023 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước”, ông Thiệu chia sẻ.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cũng chỉ ra những khó khăn về cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu, các dịch vụ logistics nói chung và Lạng Sơn nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số quy định về phương thức giao nhận hàng hóa với Trung Quốc như cắt nối moóc, xét nghiệm Covid-19… còn ảnh hưởng đến năng lực, chi phí thông quan.
Đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng chính ngạch
Theo đánh giá của các chuyên gia, những năm vừa qua, chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc ngày càng thay đổi, theo hướng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, quy cách đóng gói bao bì, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, phía bạn cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn hơn nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ các nước.
Để nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác giao thương thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, các chuyên gia cũng cho rằng, hai phía cần duy trì công tác nắm tình hình, dự báo tình huống phát sinh và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh định hướng, chính sách và hệ thống giải pháp mở rộng quan hệ xuất nhập khẩu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại, bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp và lợi ích quốc gia.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần coi các doanh nghiệp là những người bạn đồng hành, thay vì là đối tượng quản lý. Doanh nghiệp có bền vững thì đất nước mới bền vững. Thông qua giao thương kinh tế, Việt Nam muốn khẳng định là quốc gia sản xuất có trách nhiệm trên thế giới… Mỗi thị trường có một văn hóa, mỗi người tiêu dùng có một thói quen. Việc thích ứng với lệnh 248, 249 và sắp tới là 259, sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu một cách bền vững.
Để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới phía Bắc nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng, đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông sản của Việt Nam đa dạng, phong phú. Mặt khác, tạo tiền đề, năng lực xuất khẩu bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu kiến nghị, Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, chú trọng ưu tiên lựa chọn một số khu vực cửa khẩu có tiềm năng, có điều kiện phát triển nhanh để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới.
Tăng cường phân bổ nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt, các trung tâm logistics, trung tâm phân phối, cảng cạn, kho ngoại quan...; thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống hạ tầng gồm các trung tâm logistics tích hợp các dịch vụ chuyên nghiệp, hiện đại, kho chuyên dụng để lưu trữ hàng hóa, nông sản… tại khu vực cửa khẩu; thường xuyên trao đổi, kết nối thông tin về các chính sách, định hướng phát triển thương mại quốc tế…

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đề nghị, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiếp tục đánh giá và phê duyệt các hồ sơ đăng ký xuất khẩu sản phẩm trái cây đông lạnh của Doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc trên hệ thống CIFER theo quy định của Lệnh 248… Hiện nay, Trung Quốc yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao, doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với chứng chỉ Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP... Bên cạnh đó, Hải quan Trung Quốc đang tạm ngừng việc đăng ký nhóm trái cây đông lạnh đối với doanh nghiệp Việt Nam… Dó đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường này.