Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững khu vực trung du và miền núi phía Bắc”.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở GD-ĐT, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội của 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc; các trường đại học, cao đẳng, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp sử dụng lao động.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, nông lâm nghiệp được xác định là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia; nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng.
Do đó, đào tạo nguồn nhân lực cho nông lâm nghiệp và nông thôn theo hướng phát triển kinh tế xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo Thứ trưởng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những giải pháp đột phá chiến lược.
Để đạt được mục tiêu đó, Thứ trưởng chỉ đạo toàn ngành cần tập trung để có các chính sách, giải pháp thu hút, hỗ trợ người học ngành nông lâm nghiệp; có sự phối hợp chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả giữa cơ sở đào tạo, địa phương và doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam đã báo cáo về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lâm nghiệp quốc gia, đồng thời đề xuất những chính sách, giải pháp thu hút, hỗ trợ người học ở các trường đào tạo ngành nông lâm nghiệp.
GS Điển cho biết, năm 2023, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam tuyển sinh 25 ngành học bậc đại học (trên 4.000 chỉ tiêu các loại hình đào tạo), 11 ngành bậc Thạc sĩ và 6 ngành bậc Tiến sĩ. Trong đó, có 4 ngành thuộc lĩnh vực lâm nghiệp như: Lâm học, Lâm sinh, Quản lý Tài nguyên rừng (Kiểm lâm) và Công nghệ Chế biến lâm sản đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cam kết hỗ trợ kinh phí đào tạo và tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên tất cả ngành đào tạo của trường đều có cơ hội được nhận học bổng, hỗ trợ từ doanh nghiệp và các tổ chức khác, được đào tạo ngoại ngữ (Tiếng Anh, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc), đi du học và có nhiều cơ hội khởi nghiệp. Sinh viên cũng được bố trí học kỳ doanh nghiệp (được hưởng tiền công do doanh nghiệp chi trả), được giới thiệu việc làm hoặc du học sau khi tốt nghiệp.
Từ đó, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường lao động (nhu cầu khoảng 2.360 kỹ sư, cử nhân/năm thuộc lĩnh vực lâm nghiệp như Lâm sinh, Lâm học: 500 người/năm, Quản lý tài nguyên rừng (kiểm lâm): 540 người/năm, Quản lý loài hoang dã: 620 người/năm, Thiết kế và chế biến thương mại đồ gỗ: 550 người/năm, một số chuyên ngành có liên quan: khoảng 150 người/năm).
Được biết, Hội nghị “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững khu vực trung du và miền núi phía Bắc” cũng là cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp khai thác các lợi thế, tiềm năng về nông lâm nghiệp của các vùng, miền trên cả nước.
Từ đó, mở ra cơ hội đào tạo nhân lực có chất lượng cao, giải quyết nhu cầu cho thị trường lao động mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; cải thiện đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân; bảo đảm phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Sứ mệnh cao cả này tiếp tục đặt lên vai các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.