Phát huy vai trò nghị viện đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số
- Tại phiên họp toàn thể thứ nhất, Đại hội đồng AIPA-42, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu thể hiện quan điểm và đưa ra những đề xuất của Quốc hội Việt Nam về tăng cường quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm, hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025. Bà có suy nghĩ như thế nào về thông điệp của Chủ tịch Quốc hội?
- Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất sâu sắc, toàn diện, thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của Quốc hội trong hợp tác liên nghị viện khu vực nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của ASEAN; khẳng định sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với chủ đề của Đại hội đồng AIPA-42; đồng thời, chuyển tải những nội dung không chỉ riêng Quốc hội Việt Nam mà các Nghị viện thành viên AIPA cùng quan tâm trong hợp tác liên nghị viện khu vực.
Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác đa phương trên thế giới hiện đang gặp những thách thức lớn. Một số nước cũng bắt đầu đặt câu hỏi liệu xu hướng hội nhập khu vực, quốc tế và xa hơn nữa là toàn cầu hóa có còn phù hợp với lợi ích quốc gia hay không. Tuy nhiên, ASEAN vẫn luôn khẳng định tinh thần đoàn kết, hợp tác và thúc đẩy hội nhập khu vực sâu rộng là xu hướng đúng đắn. Các quốc gia thành viên ASEAN vẫn tiếp tục nỗ lực trong thực hiện tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN “gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội”. Qua bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đã gửi đến AIPA thông điệp mạnh mẽ ủng hộ xu thế hội nhập và hợp tác đa phương trong khu vực bởi đúng như ông đã nhấn mạnh "càng qua sóng gió, bản sắc của Cộng đồng, tình cảm tương thân, tương ái giữa các quốc gia thành viên và người dân càng được củng cố và bồi đắp".
Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội cũng cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế, ưu tiên hội nhập trong ASEAN. Nghị quyết Đại hội XIII cũng khẳng định vai trò của Quốc hội trong đẩy mạnh hoạt động đối ngoại đa phương, thực hiện chiến lược đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng, thể hiện vai trò dẫn dắt những nỗ lực chung trong các cơ chế hợp tác đa phương khu vực và thế giới. Đặc biệt, ngoại giao nghị viện đa phương ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
- Trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh việc Cộng đồng ASEAN cần tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, năng lực tự cường, bản lĩnh vững vàng và vai trò trung tâm trong ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế. Quan điểm này đã được các Trưởng đoàn Nghị viện thành viên AIPA chia sẻ, hưởng ứng như thế nào, thưa bà?
- Theo dõi phiên họp toàn thể lần thứ nhất, có thể thấy nhiều Trưởng đoàn Nghị viện thành viên AIPA chia sẻ quan điểm tương đồng với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đơn cử, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai cho rằng, nghị viện là cơ quan quyền lực nhà nước trực tiếp đại diện cho nhân dân và chú trọng nhất tới phúc lợi của người dân. Vì vậy, Quốc hội Thái Lan tin tưởng hợp tác liên nghị viện ở tầm khu vực sẽ không chỉ giúp tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc chăm lo cho người dân mà còn giúp phản ứng hiệu quả trước những thách thức như đại dịch Covid-19. Còn theo Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani, Đại hội đồng AIPA-42 được tiến hành theo hình thức trực tuyến là minh chứng cho thấy AIPA vẫn tiếp tục hợp tác trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức, khó khăn. Đại dịch Covid-19 cũng là phép thử đối với sự đoàn kết của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc cùng nhau vượt qua đại dịch và phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch.
Nhìn nhận đại dịch Covid-19 cũng là chất xúc tác để ASEAN tăng cường số hóa nền kinh tế, thích ứng và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0, thu hẹp khoảng cách về số và bảo đảm bình đẳng số trong khu vực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, cần phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của AIPA và các Nghị viện thành viên đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, bảo đảm tăng trưởng ổn định, phục hồi bền vững của ASEAN.
Chia sẻ quan điểm nêu trên, Chủ tịch Hạ viện Indonesia cũng khẳng định tầm quan trọng của hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm và đề nghị các nghị viện AIPA cần hợp tác nhằm tăng cường khả năng tiếp cận internet đối với tất cả mọi người dân, nâng cao nguồn nhân lực và kỹ năng tận dụng công nghệ kỹ thuật số; hợp tác trong xây dựng, ban hành các chính sách nhằm bảo đảm kết nối kỹ thuật số, bảo đảm an toàn trong các hoạt động số hóa và thúc đẩy đổi mới - sáng tạo. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Singapore Chuan-Jin đề nghị, các nghị sĩ khu vực cần tiếp tục ủng hộ các chính sách bao trùm nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua giải pháp chuyển đổi số, bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận với công nghệ và khuyến khích quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ ở các quốc gia trong khu vực.
Góp phần quan trọng bảo đảm thành công của AIPA-42
- Tại Phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đưa ra nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy hợp tác nghị viện trong lĩnh vực số. Bà có suy nghĩ thế nào với những đề xuất này?
- Tôi rất tâm đắc với 5 khuyến nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong đó kêu gọi các Nghị viện thành viên AIPA tích cực hỗ trợ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện thực thi chính sách chuyển đổi số, tăng cường tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số của người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phổ cập số đối với các đối tượng yếu thế, cung cấp dịch vụ số công bằng, bình đẳng, phù hợp với mức thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Đề xuất này cũng phát đi thông điệp của Việt Nam rằng, các Nghị viện và các quốc gia trong khu vực cần linh hoạt, thích ứng nhằm đối phó với các thách thức và tận dụng cơ hội mà đại dịch Covid-19 mang lại.
Tôi cũng đặc biệt tâm đắc với thông điệp của Chủ tịch Quốc hội là bất kể ASEAN có đặt ra lộ trình, mục tiêu nào thì điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu đó vẫn phải là bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định bền vững trong khu vực. Vì vậy, trong đề xuất thứ năm, Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi các quốc gia liên quan giải quyết vấn đề biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước về Luật Biển năm 1982, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện DOC và sớm đàm phán để ký kết COC.
- Bà đánh giá thế nào về sự tham gia của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam trong các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-42?
- Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-42, trong đó có các phiên họp của các Ủy ban Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Tổ chức, Hội nghị Nữ nghị sĩ… Mỗi phiên họp xem xét một hoặc nhiều nghị quyết, phản ánh mối quan tâm và cam kết của AIPA đối với các vấn đề chung của khu vực. Để tham gia và có những đóng góp sâu sắc vào nội dung các dự thảo Nghị quyết, các thành viên trong Đoàn Việt Nam cũng như Ban thư ký AIPA của Quốc hội Việt Nam và các cơ quan của Quốc hội đều phải nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Cá nhân tôi tham gia hai phiên họp của Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA và Ủy ban Kinh tế thì rất mừng là các nội dung Đoàn Việt Nam tham gia góp ý kiến đều được các Nghị viện thành viên AIPA hoan nghênh, đánh giá cao và tiếp thu, thể hiện tại Nghị quyết được thông qua.
Đại hội đồng AIPA-42 do Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến trong khoảng thời gian chỉ 3 ngày làm việc nhưng để bảo đảm hoàn thành tất cả các nội dung trong chương trình nghị sự đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp rất chặt chẽ giữa Ban Tổ chức và các Nghị viện thành viên AIPA, trong đó có Quốc hội Việt Nam. Có thể nói, sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng với sự tham gia có trách nhiệm, tích cực, chủ động của Đoàn Việt Nam đã góp phần vào thành công của Đại hội đồng AIPA-42.
- Xin cảm ơn bà!