Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, Đoàn Việt Nam bày tỏ ủng hộ các nội dung do Malaysia đề xuất; đồng thời đề nghị bổ sung một số nội dung liên quan đến vai trò của Quốc hội/Nghị viện các nước trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), bao gồm: Tuyên bố Hà Nội về “Nghị viện với các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” được Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 thông qua, Bộ Công cụ tự đánh giá vai trò của các Nghị viện trong thực hiện SDGs; thúc đẩy hợp tác nghị viện khu vực trong sản xuất vaccine phòng, chống dịch bệnh góp phần thực hiện hiệu quả SDGs.
Các Đoàn đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện cho khuôn khổ và cấu trúc thể chế để điều phối và hợp tác tốt hơn cũng như trao đổi thông tin rõ ràng giữa và trong các cơ quan ra quyết định ở chính quyền quốc gia, dưới quốc gia và địa phương, các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các bên liên quan, là những lĩnh vực quan trọng để thực hiện có hiệu quả Chương trình nghị sự 2030. Đồng thời, tiếp tục thừa nhận các thách thức trong việc xây dựng các cơ chế và chiến lược đảm bảo tinh thần của Chương trình nghị sự 2030 được truyền tải xuống cấp địa phương, tích hợp vào các chính sách và khuôn khổ quản trị, từ đó tạo ra những tác động thực sự.
Các Đoàn đại biểu khuyến khích các nghị viện thành viên AIPA, Chính phủ, chính quyền địa phương nâng cao nhận thức về tiềm năng chuyển đổi của Chương trình nghị sự 2030 và xây dựng đồng thuận quốc gia để hài hòa SDG vào kế hoạch phát triển quốc gia, từ đó tạo ra quyền sở hữu, cam kết và trách nhiệm giải trình. Các nghị sĩ cần xem xét các ưu tiên, chính sách, chiến lược và các lỗ hổng để nâng cao vai trò của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 với các tiêu chuẩn và chỉ số có chiều sâu, phù hợp với địa phương.
Cùng với đó, các nghị viện cần xem xét, loại bỏ các luật, quy định, chính sách và thực tiễn phân biệt đối xử hoặc hạn chế sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dễ bị tổn thương, người chịu thiệt thòi và các nhóm thiểu số trên khía cạnh tham gia và bày tỏ ý kiến ở tất cả các cấp độ ra quyết định. Khuyến khích các nghị viện tham gia đánh giá thường xuyên và toàn diện việc thực hiện SDGs để đảm bảo việc thực hiện đang đi đúng hướng và có thể được hiệu chỉnh sau khi có phản hồi và đánh giá.
Các Đoàn đại biểu cũng thống nhất với dự thảo Nghị quyết về giải quyết khoảng cách kỹ thuật số trong các cộng đồng địa phương, cung cấp cơ sở hạ tầng thích hợp và hỗ trợ khi cần thiết để tất cả các nhóm có quyền truy cập bình đẳng vào thông tin và dịch vụ kỹ thuật số; thúc đẩy việc sử dụng các tiến bộ công nghệ để tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận các dịch vụ và thông tin chung, thiết lập thông tin liên lạc hai chiều, quản lý đô thị hiệu quả và tạo ra một hệ sinh thái đổi mới cho nền kinh tế kỹ thuật số. Kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN cải thiện tính sẵn có và chất lượng của dữ liệu tách biệt, đồng thời sử dụng dữ liệu đó cho quá trình ra quyết định để thực hiện và giám sát SDGs cũng như thu hẹp khoảng cách; các nghị sĩ xem xét các chính sách để phát triển các chương trình đổi mới và gắn kết nhằm nâng cao kỹ năng và tái đào tạo đảm bảo sự tham gia và kết nối kỹ thuật số cho người nghèo, nhóm dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề xã hội; tăng cường hợp tác đa phương để thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030.