AIPA cam kết, đồng hành cùng ASEAN
- Đại hội đồng AIPA 42 bế mạc sau 3 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm. Ông cho biết những kết quả nổi bật của Đại hội đồng lần này?
- Đại hội đồng AIPA 42 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, như Chủ tịch Hội đồng lập pháp Brunei phát biểu ngay tại Phiên khai mạc, là học tập kinh nghiệm tổ chức AIPA 41 của Việt Nam bằng hình thức này, Đại hội đồng AIPA 42 đã được tổ chức rất thành công.
Đại hội đồng AIPA 42 đã chọn đúng và trúng chủ đề của Hội nghị là “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025”, thu hút sự quan tâm của các nghị viện thành viên, nghị viện quan sát viên và khách mời. Trong phát biểu, các trưởng đoàn đều nhận định, chủ đề phù hợp với tình hình chung của ASEAN. Và từ chủ đề trung tâm đó, các Ủy ban đã phát triển thành chủ đề của từng Ủy ban, bổ trợ tích cực cho việc đưa ra sáng kiến, giải pháp triển khai kế hoạch, chương trình hành động cho việc chuyển đổi số, phục vụ, hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025.
Đại hội đồng AIPA 42 ghi nhận sự tham gia đầy đủ, tích cực của các Nghị viện thành viên, các Đoàn của nghị viện thành viên đều do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu, các nghị viện quan sát viên có nhiều đoàn do Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch dẫn đầu. Tổng thư ký ASEAN cũng tham gia và đánh giá cao vai trò của AIPA trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Tất cả các nghị viện thành viên đều khẳng định, AIPA cam kết, đồng hành cùng với ASEAN trong giai đoạn khó khăn này, để cùng nhau xây dựng một ASEAN đoàn kết, thịnh vượng, tự cường, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2025, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực.
- Tham gia Đại hội đồng AIPA lần này, Việt Nam đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, đặc biệt là 5 kiến nghị được nhấn mạnh trong bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên toàn thể thứ nhất. Ông có thể chia sẻ thêm về nội dung này?
- Trong bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi mở một số vấn đề để các nghị viện thành viên ASEAN bàn bạc, trao đổi, tăng cường hợp tác.
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số bao trùm, hướng tới Cộng đồng ASEAN; chuyển đổi số phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của từng quốc gia. Nhiều đại biểu cho rằng, phải hài hòa hóa pháp luật trong khu vực, để chúng ta có hệ thống tương đồng, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận số một cách bình đẳng giữa các vùng, miền của từng quốc gia, trong khu vực, các tiểu khu vực và của người dân.
Thứ hai, thu hẹp khoảng cách số, người dân phải được tiếp cận dịch vụ công một cách công bằng và có điều kiện tiếp cận cơ sở hạ tầng, làm sao đến được với người dân và nhóm yếu thế.
Thứ ba, huy động các hình thức đầu tư phù hợp, kết hợp công tư, xây dựng cơ sở hạ tầng số, phát triển hệ sinh thái số. Tăng cường hợp tác, xây dựng cơ sở pháp lý trong an ninh mạng, bảo mật thông tin cho từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân.
Thứ tư, là xây dựng lòng tin số.
Thứ năm, là kinh nghiệm của Việt Nam mà chúng ta rất mong muốn được chia sẻ, đó là tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết, trao cho Chính phủ những quyền chưa có trong tiền lệ để linh hoạt hơn trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Vấn đề này được nghị viện các nước thành viên đánh giá rất cao, coi đó là kinh nghiệm hay để cùng tiếp tục trao đổi. Cũng liên quan đến phòng, chống đại dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải làm sao phát huy được vai trò của Quỹ Phòng, chống Covid-19 của ASEAN, sử dụng Quỹ một cách hiệu quả nhất và có chiến lược phòng, chống dịch bệnh trong ASEAN, hợp tác sản xuất cung ứng, chia sẻ và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc, vật tư thiết bị y tế… trong phòng, chống dịch.
Các đề xuất này đều được nghị viện các nước thành viên AIPA đánh giá cao và hưởng ứng rất tích cực.
Bảo đảm quyền tự do cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của Đoàn Việt Nam trong các hoạt động Ủy ban của Đại hội đồng AIPA 42?
- Do tổ chức Hội nghị trực tuyến, tham gia tại Việt Nam, nên Đoàn Việt Nam không bị hạn chế số lượng, tham gia một cách rất tích cực, chủ động, đông đủ. Mặt khác, AIPA 42 ghi nhận sự tham gia của các đại biểu tái cử và các đại biểu mới, tuy nhiên, không có sự bỡ ngỡ, mà các đại biểu đều phát huy vai trò, chuyên môn của mình. Chúng tôi đã chuẩn bị phương án để có sự tham gia của Việt Nam trong tất cả các Ủy ban. Rất vui mừng, phấn khởi là đến phiên bế mạc, các đề xuất của Đoàn Việt Nam đều được Nghị viện các nước thành viên nhất trí, tiếp thu và đưa vào Nghị quyết, văn kiện của Đại hội đồng AIPA 42.
- Ông ấn tượng nhất với ý kiến nào mà Đoàn Việt Nam đề xuất?
- Chủ đề Đại hội đồng AIPA 42 chủ yếu xoay quanh nội dung phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm, do vậy tôi rất tâm đắc với ý kiến của Đoàn Việt Nam là bên cạnh việc bảo đảm an toàn an ninh mạng, kết nối mạng, thì pháp luật mỗi nước vẫn phải bảo đảm quyền tự do cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dữ liệu cá nhân chỉ được sử dụng một cách hợp lý, phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng và người dân. Hay là nội dung việc làm cho phụ nữ trong bối cảnh sau đại dịch hay kết nạp quan sát viên mới của AIPA, cơ chế đối thoại mới mà AIPA sẽ triển khai trong thời gian tới, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của AIPA đối với các thiết chế khác trong khu vực, cùng nhau phấn đấu xây dựng một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, tự cường và đoàn kết vào năm 2025.
- Việc thống nhất và ban hành được Nghị quyết là rất quan trọng. Nhưng làm thế nào để các Nghị quyết của AIPA 42 đi vào cuộc sống, thưa ông?
- Các Nghị quyết của AIPA đều được Nghị viện thành viên chuyển tải nội dung về nghị viện của nước mình và Chính phủ. Với vai trò chức năng của cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp, mỗi cơ quan sẽ có sự triển khai phù hợp. Đối với các cơ quan lập pháp sẽ ban hành chính sách và biện pháp lập pháp để triển khai hiệu quả nhất, giám sát việc tổ chức thực hiện. Chúng tôi cũng cơ chế Hội nghị tư vấn AIPA hàng năm, các nghị viện đều phải báo cáo kết quả việc thực hiện các Nghị quyết đối với AIPA.
- Xin cám ơn ông!