Chiều 9.4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc.
Báo cáo Đoàn khảo sát, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Điện Biên Đặng Quang Huy phản ánh, hiện chưa có quy định về thời gian nhà giáo được luân chuyển công tác từ vùng đặc biệt khó khăn về công tác gần nhà, hoặc nhà giáo công tác vùng thuận lợi đến công tác ở vùng khó khăn trong cùng huyện. Vì vậy, có những nhà giáo nữ từ lúc công tác đến lúc nghỉ hưu không được luân chuyển về gần nhà để có thời gian chăm sóc con cái, gia đình.
Bên cạnh đó, việc thừa/thiếu giáo viên hàng năm chưa được giải quyết dứt điểm do cơ quan quản lý giáo dục các cấp không được chủ động điều tiết, tuyển dụng giáo viên. Giáo viên ngoài số tiết dạy theo quy định phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác của nhà trường đã được quy đổi nhưng chưa được thực hiện chế độ tăng giờ vì vướng mắc nhiều văn bản.
Việc tuyển dụng nhà giáo hiện nay thực hiện theo Luật Viên chức, Nghị định và Thông tư hướng dẫn. Điều này gây khó khăn trong lựa chọn hình thức, nội dung và quá trình thực hiện các bước trong quá trình thành lập Hội đồng, các ban giúp việc trong thi tuyển hoặc xét tuyển ở vòng 2 để phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo.
Quy định về cấp phó trong các cơ sở giáo dục chưa phù hợp khi trường có quy mô lớp lớn, nhiều điểm trường phức tạp, địa hình, giao thông đi lại khó khăn, có số học sinh bán trú nhiều cũng bằng số lượng cấp phó của trường có quy mô nhỏ, không có học sinh bán trú.
Chế độ, chính sách đãi ngộ cũng chưa đủ để bảo đảm chất lượng cuộc sống của nhà giáo. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo chưa yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho việc giảng dạy. Hệ thống bảng lương của giáo viên mầm non còn bất cập so với các cấp học khác được quy định theo Thông tư số 01, 02, 03 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc quy định các tiêu chuẩn của danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” còn nhiều bất cập, quy định 15 năm trở lên trực tiếp giảng dạy. Có những nhà giáo có năng lực chuyên môn giỏi được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp, đủ các điều kiện và được bổ nhiệm chức vụ quản lý trường học từ khi còn trẻ, trong công tác có nhiều thành tích, công hiến cho giáo dục, đặc biệt là những nhà giáo công tác tại các trường thuộc xã có điều kiện khó khăn, tuy nhiên không đủ điều kiện về số năm trực tiếp giảng dạy họ nghỉ hưu cũng không được tôn vinh.
Từ thực tiễn tại huyện Điện Biên, ông Huy kiến nghị có chính sách cụ thể, phù hợp trong tuyển dụng để thu hút người giỏi đến công tác tại các xã đặc biệt khó khăn; hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển phù hợp với đặc thù nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, có quy định cụ thể về thời gian luân chuyển, thuyên chuyển đối với nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, xa nhà, phù hợp với từng vùng, miền. Có chính sách đối với một số nhà giáo dạy liên trường, dạy 2 cấp học trong trường có nhiều cấp học…