Tạo cầu nối phát triển
Trước khi Hội nghị thượng định chính thức khai mạc, G20 đã tổ chức các sự kiện tiền trạm bao gồm cuộc gặp của Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Ngoại giao các nền kinh tế thành viên nhằm tìm tiếng nói chung. Trước thềm hội nghị, hôm 14.11, G20 đã công bố sáng kiến được hoan nghênh là Quỹ đối phó với các đại dịch tương lai, hiện nhận được đóng góp 1,4 tỷ USD từ Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác. Trong các cuộc thảo luận tới đây, các thành viên G20 dự kiến đi đến một số thỏa thuận trợ giúp các nước bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực và năng lượng, nhất là tại châu Phi. Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch quảng bá sáng kiến “Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” - một nỗ lực hợp tác của G7 nhằm huy động 600 tỷ USD tài trợ trong 5 năm cho các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong khi đó, Nga xúc tiến sáng kiến hợp tác khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ cùng các thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc.
Indonesia thời gian qua rất nỗ lực duy trì sự cân bằng tại hội nghị G20 khi khước từ các yêu cầu từ phương Tây và Ukraine về việc loại trừ Nga khỏi các hoạt động của nhóm. Quốc gia chủ nhà đã mời lãnh đạo Nga - Ukraine tới Bali dự họp, động thái này được kì vọng có thể mở ra một cuộc đàm phán hòa bình cấp cao. Song phía Nga đã xác nhận Tổng thống Vladimir Putin sẽ không dự sự kiện trực tiếp thay vào đó là Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng không tới Indonesia mà sẽ phát biểu qua video với vai trò khách mời. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện vẫn là chủ đề nóng được nhắc đến nhiều lần tại hầu hết các sự kiện bởi những tác động sâu rộng của nó kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát, lương thực. Do đó, điều quan trọng là G20 cần phải hợp tác cùng nhau để giải quyết các mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều nhà phân tích quan hệ quốc tế đề cao vai trò của quan hệ cá nhân giữa giới lãnh đạo trong xây dựng chính sách đối ngoại, vì vậy Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này còn là cơ hội quý báu để các nhà hoạch định chính sách cấp cao nhất gặp gỡ trực tiếp và xây dựng quan hệ với những người đồng cấp, từ đó không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương mà còn tham gia xử lý các vấn đề toàn cầu khác.
Các vấn đề ưu tiên
Hội nghị thượng đỉnh G20 được diễn ra trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều diễn biến khó lường. Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, tập trung bàn các giải pháp đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi nguy cơ suy thoái, lạm phát, cũng như các vấn đề kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19 hay các cuộc xung đột trên thế giới, đặc biệt là chiến sự tại Ukraine.
Theo đại diện Indonesia, từ chủ đề trên, các lĩnh vực ưu tiên thảo luận bao gồm: An ninh lương thực, an ninh năng lượng, cấu trúc y tế toàn cầu và chuyển đổi kĩ thuật số. Tổng thống Indonesia Joko Widodo kì vọng hội nghị năm nay sẽ mở đường để các quốc gia thành viên có thể gạt bỏ những khác biệt, để đoàn kết giải quyết các thách thức toàn cầu về y tế, nguy cơ suy thoái, hướng đến thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Hội nghị cũng tập trung bàn thảo quy định về cơ cấu huy động nguồn lực y tế thiết yếu; tăng cường các biện pháp giám sát dịch tễ, định hướng cho nền tảng hợp tác về nghiên cứu và kiểm soát các mầm bệnh; thiết lập nền tảng chung kết nối các hệ thống chứng nhận tài liệu y tế kỹ thuật số nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương, đi lại của người dân; mở rộng các trung tâm nghiên cứu và sáng chế toàn cầu nhằm hỗ trợ các nước, nhất là các nước thu nhập trung bình thấp tiếp cận vaccine, các phương pháp chuẩn đoán và điều trị. Về chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số, các nhà lãnh đạo G20 thảo luận về các sáng kiến và đề xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế kỹ thuật số từ đó nhanh chóng phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nhất là tại các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển kỹ năng và phổ biến kiến thức kỹ thuật số; kết nối các công ty khởi nghiệp và thúc đẩy tài trợ thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm; đẩy nhanh số hóa nhằm đưa lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới.
Về chuyển đổi năng lượng bền vững, tập trung vào việc mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ và các nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí carbon, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện hơn với môi trường và thông qua Nguyên tắc chung Bali về thúc đẩy chuyển đổi năng lượng (Compact)...
Hội nghị "khó khăn nhất"
Với bóng ma suy thoái đang bao trùm nền kinh tế toàn cầu, việc vực dậy tăng trưởng sẽ là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh G20. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quan điểm khác biệt giữa các thành viên có thể làm quá trình này chậm lại.
Theo New York Times, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, đây là hội nghị "khó khăn nhất" trong bối cảnh chính trị phức tạp. Các nhà kinh tế cho biết, châu Âu có thể đang rơi vào suy thoái do giá dầu và khí đốt tăng trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng. Lạm phát thúc đẩy bởi cuộc xung đột ở Ukraine đang gây sức ép lớn lên người tiêu dùng và các doanh nghiệp trên khắp thế giới, đồng thời gây áp lực đối với những nước nghèo hơn khi hóa đơn nhập khẩu thực phẩm và năng lượng ngày càng tăng.
Trước tình cảnh lạm phát, các ngân hàng Trung ương, trước hết là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đã mạnh tay tăng lãi suất. Động thái này làm gia tăng sức ép đối với tăng trưởng và tăng chi phí trả nợ khiến các chính phủ thị trường mới nổi mắc nợ càng nhiều. Việc thoát khỏi những áp lực kinh tế dường như khá xa vời. Các ngân hàng Trung ương đang thông báo về việc tăng lãi suất tiếp theo, trong khi Mỹ cùng các đồng minh tìm cách giới hạn giá dầu của Nga, Saudi Arabia đã thúc đẩy các nhà xuất khẩu dầu cắt giảm sản lượng. Điều này có nguy cơ làm tăng giá năng lượng khi nguồn cung bị siết chặt.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất nhạy cảm về thương mại và công nghệ đến an ninh quốc gia. Wall Street Journal đánh giá, với những căng thẳng như vậy, khó có thể kỳ vọng về phối hợp kinh tế tại hội nghị thượng để đối phó với thách thức thế giới đang đối mặt. Trước đây, G20 từng phản ứng mạnh mẽ với suy thoái kinh tế. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã nhất trí về kế hoạch tái cấp vốn cho những ngân hàng đang lún sâu và kích thích nền kinh tế của họ bằng hỗ trợ tài chính cùng tiền tệ. Song, Bộ trưởng Tài chính của Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, môi trường hiện tại trái ngược với tình hình lúc đó, các Bộ trưởng tài chính G20 đã không đạt được thỏa thuận về tuyên bố chung theo thông lệ tại một số cuộc họp gần đây nhất, với các phiên bản được công bố chỉ ra những bất đồng về tác động kinh tế từ xung đột và các lệnh trừng phạt.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đánh giá hội nghị lần này được diễn ra vào thời điểm có nhiều vấn đề quan trọng đan xen và bấp bênh nhất trong nhiều thế hệ, nhưng đây cũng là cơ hội để các quốc gia cùng nhau giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu, là cơ sở để hàn gắn và tìm ra giải pháp cho các cuộc khủng hoảng. Người dân trên thế giới đạnh phải chịu ảnh hưởng từ nhiều khía cạnh, từ biến đổi khí hậu cho đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Sự chia rẽ về địa chính trị đang gây ra những xung đột mới và càng khiến những xung đột cũ khó giải quyết hơn.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thảo luận về Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững để giúp các nước đang gặp khó khăn giảm bớt các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra. Các nước đang phát triển không thể tiếp cận nguồn tài chính mà họ cần để xóa đói giảm nghèo và đầu tư vào phát triển bền vững. Vì vậy, ông kêu gọi các nền kinh tế G20 áp dụng gói kích thích mục tiêu phát triển bền vững, cung cấp cho các quốc gia ở Nam bán cầu các khoản đầu tư và thanh khoản. Hơn nữa, trong bối cảnh nạn đói đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và những nỗ lực đưa lương thực và phân bón của Nga ra thị trường toàn cầu cần được đảm bảo bởi đây là điều cần thiết đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Cộng đồng quốc tế hy vọng tại hội nghị, các nền kinh tế lớn sẽ tăng cường phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hợp tác cởi mở, toàn diện và cùng thắng.