Thành lập Hội đồng điều phối vùng là chưa đủ
Việt Nam đang thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng nhằm giúp các địa phương và cả nước đạt được mục tiêu phát triển.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ: “Cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực và các đô thị lớn, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các vùng”.
Thực tế, những năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng hoàn thiện, cụ thể hóa các định hướng, ưu tiên, chính sách thúc đẩy liên kết vùng và hoàn thiện thể chế liên kết vùng cho cả nước nói chung và cho từng vùng kinh tế - xã hội.
Trong năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết riêng về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho 6 vùng kinh tế - xã hội trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ra các quyết định thành lập 6 Hội đồng điều phối vùng cho cả 6 vùng kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, phát biểu tại "Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương" do Tạp chí Kinh Doanh thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 3.8, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, liên kết vùng vẫn còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ; chủ yếu hợp tác song phương, thiếu các hợp tác đa phương… Chính những hạn chế trên làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng, thể chế hình thành và thúc đẩy liên kết vùng đang trong quá trình hoàn thiện song còn chưa đủ mạnh.
Từ khi thành lập 6 vùng kinh tế - xã hội đến nay, văn bản pháp lý cao nhất liên quan đến phát triển vùng mới dừng ở mức Quyết định của Thủ tướng. Trong khi đó, hoạt động của chính quyền địa phương trong vùng lại được điều chỉnh bởi nhiều văn bản mang tính pháp lý cao hơn (như Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội) nên hoạt động liên kết vùng gặp nhiều hạn chế.
Mặt khác, theo bà Minh, việc thành lập Hội đồng điều phối cho từng vùng kinh tế - xã hội là cần thiết song chưa đủ. Các địa phương trong vùng cần có động lực để cùng hợp tác, cùng hành động hướng tới mục tiêu phát triển ở cấp độ vùng, chứ không chỉ là phát triển ở địa bàn của mình.
Liên kết vùng theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh
Theo các đại biểu, liên kết vùng vững chắc sẽ là động lực phát huy thế mạnh của các địa phương, là triển vọng cho tăng trưởng kinh tế và tạo thuận lợi cho nước ta đương đầu với những thách thức trong tương lai.
Để thúc đẩy liên kết vùng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh đề xuất "bứt phá khỏi cách làm cũ", nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.
Về các giải pháp cụ thể, ông Thịnh nêu rõ, cần giải quyết được thách thức về quy hoạch, tính đồng nhất của các địa phương, thách thức về sự hòa hợp các quan điểm đa dạng. Đổi mới phân cấp và nâng cao hiệu quả phối hợp trong quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở vùng, yêu cầu về quy mô, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng hướng đến giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm. Một khi có cơ sở dữ liệu chung thì sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng...
Hội nhập quốc tế đang đặt ra những cơ hội, thách thức mới đối với thúc đẩy liên kết vùng, vì vậy TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM lưu ý các vùng phải điều chỉnh để thích ứng, đặc biệt là thay đổi từ phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế. Bản thân doanh nghiệp cũng phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ hơn theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng.
Bà Minh cũng cho biết, các cơ quan đang nghiên cứu các nội dung tham mưu ban hành văn bản pháp luật ở cấp luật hoặc sửa đổi một số văn bản pháp luật có tính pháp lý cao.
Một vấn đề quan trọng nữa được các đại biểu chỉ ra là nguồn lực cho liên kết vùng. Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều khó khăn cho ngân sách nhà nước. Do vậy, nếu thiếu ưu tiên đúng mức cho việc bố trí nguồn lực cho các chương trình, dự án liên kết vùng gắn với các tiêu chí phân bổ và đánh giá cụ thể, khả thi, thì các chương trình, dự án này có thể chậm triển khai, thậm chí không thể triển khai.