Thị trường bảo hiểm Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng về quy mô và chất lượng

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, dù còn một số tồn tại, nhưng những thành quả đạt được, tiềm năng phát triển sẽ là cơ hội lớn để thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng quy mô, cải thiện chất lượng, hướng tới phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.

Bảo hiểm rất quan trọng với kinh tế - xã hội

- Thưa Bộ trưởng, thời gian qua, dư luận và người dân đang rất quan tâm tới chất lượng phát triển thị trường bảo hiểm. Điều đó cho thấy, bảo hiểm có tầm quan trọng đối với kinh tế xã hội. Xin Bộ trưởng chia sẻ về vấn đề này? 

- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trải qua hơn 1/4 thế kỷ với sự tăng trưởng cao và tương đối ổn định. Mức tăng trưởng của thị trường này bình quân 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020. Thị trường bảo hiểm ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; cũng như một phần đem lại sự bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho nhân dân.

Bộ trưởng Tài chính nói về định hướng phát triển thị trường bảo hiểm -0
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý đối với thị trường bảo hiểm ngày càng được hoàn thiện, hỗ trợ thị trường phát triển, góp phần thúc đẩy hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã và đang hoạt động an toàn, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh ngày càng được cải thiện. Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được tăng cường ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm.

Tính đến cuối năm 2022, các DNBH đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền là 656 nghìn tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm trên 64 nghìn tỷ đồng. Tới cuối tháng 4/2023, tổng tài sản của các DNBH ước đạt 849,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước. Các DNBH đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 708,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 75,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,12%, trong đó các DNBH chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 23,5 tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những con số cho thấy sự tăng trưởng cũng như sự đóng góp của thị trường bảo hiểm đối với sự phát triển của kinh tế đất nước và an sinh xã hội.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình tăng trưởng nhanh về “lượng”, thì “chất” chưa có sự phát triển tương xứng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Điển hình là thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là BHNT đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Nếu như trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (Bancassurance).

“Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn trong thời gian gần đây. Do đó, chúng ta phải nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động lành mạnh, đúng hướng”.

Bộ trưởng cho biết thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những điểm còn tồn tại trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và kênh bancassurance nói riêng.

Bộ trưởng Tài chính nói về định hướng phát triển thị trường bảo hiểm -0
Đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế  656 nghìn tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm trên 64 nghìn tỷ đồng.

Nâng chất lượng đại lý bảo hiểm

- Qua phản ánh của báo chí và dư luận, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của các đại lý bảo hiểm là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều khách hàng bức xúc khi mua BHNT. Bộ trưởng đánh giá sao về thực trạng này?

- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:Nhìn toàn cục, chất lượng đại lý bảo hiểm đã có sự cải thiện. Nhiều DNBH đã đầu tư cho khâu đào tạo đại lý, đầu tư cho công nghệ thông tin, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ và chăm sóc khác hàng.

Tuy vậy, chúng ta không phủ nhận rằng, một số đại lý bảo hiểm hoạt động với chất lượng chưa cao. Thực tế cho thấy, nhiều DNBH chỉ chú trọng vào đào tạo đại lý theo hướng làm sao để bán được sản phẩm, có nghĩa là đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng, hơn là chú trọng nền kiến thức kinh tế nền, kiến thức chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp. Mặt khác, một số DNBH chú trọng nhiều hơn tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về, mà lơ là việc kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý.

Đại lý bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa tư vấn đầy đủ, khách quan, nhất là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Mặt khác, không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm nên đã ảnh hưởng tới chất lượng phát triển chung của thị trường bảo hiểm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc mà dư luận phản ánh trong thời gian qua, làm giảm vai trò, bản chất thực và tính nhân văn của bảo hiểm.

Do vậy, đây là vấn đề thị trường phải thực sự thay đổi một cách mạnh mẽ. Các DNBH cần phải nâng cao nhận thức, rà soát lại, có giải pháp để nâng cao chất lượng đại lý. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ chấn chỉnh và xử lý thật nghiêm các DNBH để xảy ra sai phạm.

- Một số chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn làm cho nhiều khách hàng tăng bức xúc về chất lượng thị trường BHNT đó là vì kênh bancassurance. Theo Bộ trưởng, chúng ta phải làm thế nào để khai thác kênh bán bảo hiểm tiềm năng này nhưng vẫn giữ được sự toàn vẹn giá trị nhân văn của ngành bảo hiểm?

- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:Bancassurance là một kênh tiềm năng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bancassurance đã khẳng định được hiệu quả tốt. Ở Việt Nam, kênh này mới phát triển trong những năm gần đây nhưng có sự phát triển nhanh, mang lại doanh thu không nhỏ cho các ngân hàng và DNBH. Đây là cơ hội cho thị trường bao hiểm đa dạng hóa kênh phân phối, nhưng rõ ràng trong triển khai thực tế còn có nhiều vấn đề cần phải thay đổi, hoàn thiện để phát triển minh bạch, đúng định hướng.

Trên thực tế, các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đã nhìn thấy các vấn đề phát sinh và khẩn trương vào cuộc để thay đổi. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần làm việc với nhau và có văn bản chấn chỉnh các ngân hàng thương mại (NHTM), DNBH phải nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ pháp luật, cấm các hành vi mới chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ (hay gọi nôm na là “ép”) khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Riêng với Bộ Tài chính, chúng tôi đã chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hoạt động này; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo sự quản lý song hành từ phía các NHTM và DNBH.

Đối với công tác hoàn thiện pháp lý, nhiều quy định mới về đại lý bảo hiểm (bao gồm cả bancassurance) đã được cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ, đầy đủ hơn trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và kỳ vọng sẽ được ban hành sớm để chấn chỉnh hoạt động, tăng cường chất lượng theo hướng bảo vệ quyền lợi khách hàng của kênh phân phối này.

Bộ trưởng Tài chính nói về định hướng phát triển thị trường bảo hiểm -0
Theo Bộ trưởng Tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam đặt chất lượng phát triển lên hàng đầu.

Ưu tiên chất lượng

- Thưa Bộ trưởng, có nhiều ý kiến cho rằng,“trong nguy có cơ” – sau quá trình tăng trưởng nhanh về “lượng” thì đây là cơ hội để thị trường bảo hiểm Việt Nam có bước chuyển tích cực về “chất”. Đâu là các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn để thị trường BHNT nói riêng và thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung phát triển chất lượng và bền vững hơn, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:Chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với ý kiến này. Thị trường bảo hiểm đã trải qua một chặng đường xây dựng và phát triển với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là nỗ lực chung của cả các cơ quan quản lý nhà nước, các DNBH và bao gồm cả sự ủng hộ của người mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn thực tiễn vừa qua, nhất là trong bối cảnh Covid-19, chúng ta phải khách quan nhìn nhận, đánh giá khách quan từ nhiều phía, từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp (gồm cả các ngân hàng thương mại), đến người mua bảo hiểm.

Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới việc phát triển thị trường bảo hiểm chất lượng, bền vững, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, do vậy, sẽ còn rất nhiều việc phải làm, vừa làm vừa hoàn thiện để từng bước đạt được các mục tiêu mà Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.

Để đạt được các mục tiêu lớn đề ra, thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều thách thức cần hoàn thiện và xứng tầm hơn với tiềm năng lợi thế của Việt Nam như chất lượng nhân lực, cơ sở dữ liệu thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản trị rủi ro và tính minh bạch của các DNBH... Đây là các vấn đề rất cần thiết, là cơ sở vững chắc để thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, phát huy vai trò là “bà đỡ”, góp phần phát triển ổn định và bền vững cho các chủ thể khác trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Với những thành quả đạt được, tiềm năng phát triển, cũng như những tồn tại trên thực tế, chúng tôi cho rằng, đây vừa là thách thức cần nỗ lực để hoàn thiện, vừa là cơ hội lớn để đưa thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng về quy mô, cải thiện về chất lượng, hướng tới phát triển an toàn, bền vững trong tương lai. Trong các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số, xu hướng phát triển công nghệ,... thì nền tảng pháp lý được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về “lượng” và “chất”.

Tuy vậy, chúng tôi nhận thức rằng, để đạt được mục tiêu phát triển chất lượng, bền vững, thì không thể thay đổi ngay trong “ngày một, ngày hai” mà cần một quá trình, làm từng bước. Trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam đặt chất lượng phát triển lên hàng đầu, nhưng để “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ”, thì cần các giải pháp đồng bộ từ cả phía cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc thực sự của cả các DNBH, NHTM, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.

Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và DNBH để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Mặt khác, cơ quan quản lý đã và tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các DNBH và tiến hành xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.

Về phía các DNBH, cần rà soát lại các sản phẩm bảo hiểm, đơn giản hoá quy tắc, điều khoản, tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của mình. DNBH phải rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, cần thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đào tạo các đại lý để tăng chất lượng tư vấn và dịch vụ khách hàng.

Ngoài ra, để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, chúng ta không thể không nhắc tới vai trò của người tham gia bảo hiểm. Bên cạnh việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về bảo hiểm, về phía khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ cho chính mình, đồng thời giảm thiểu tranh chấp phát sinh về sau.

Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, chúng tôi tin tới đây, ngành bảo hiểm sẽ phát triển chất lượng hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế và an sinh xã hội.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Kinh tế

Khởi công nhà máy sản xuất động cơ ô tô 260 triệu USD
Kinh tế

Khởi công nhà máy sản xuất động cơ ô tô 260 triệu USD

Vừa qua, tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế), Công ty Cổ phần Kim Long Motor đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn Yuchai (Trung Quốc) về sản xuất, chế tạo động cơ tại Việt Nam và tổ chức lễ động thổ nhà máy sản xuất động cơ ô tô trị giá 260 triệu USD.

Uy tín cùng pháp lý vững vàng, tôn chỉ tạo nên thương hiệu Masterise Homes®
Bất động sản

Uy tín cùng pháp lý vững vàng, tôn chỉ tạo nên thương hiệu Masterise Homes®

Vốn được xem là nhà phát triển bất động sản quốc tế với những dự án cao cấp, Masterise Homes® không chỉ ghi dấu ấn với sản phẩm chất lượng, dịch vụ chuyên nghiệp, mà quan trọng hơn cả chính là tính pháp lý vững vàng, minh bạch tại các dự án khi liên tục bàn giao sổ hồng, văn bản pháp lý cao nhất, đến cư dân tại các dự án chỉ trong thời gian ngắn sau khi bàn giao.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Xây dựng Bình Minh, “chuyên gia” trúng thầu đầu tư công, tiết kiệm ngân sách "nhỏ giọt"
Doanh nghiệp

Bà Rịa - Vũng Tàu: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Xây dựng Bình Minh, “chuyên gia” trúng thầu đầu tư công, tiết kiệm ngân sách "nhỏ giọt"

Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Xây dựng Bình Minh liên tục là nhà thầu quen thuộc, trúng thầu hầu hết các gói thầu đầu tư công tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các gói thầu công ty này trúng thường có tỷ lệ tiết kiệm ngân sách rất thấp, chỉ dao động khoảng vài triệu đồng, tương đương dưới 0,1%.

Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sẽ chính thức được giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh
Tài chính

Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sẽ chính thức được giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh

Thông tư 68/2024/TT-BTC đã bổ sung quy định về giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đây là bước tiến rất quan trọng để gỡ “nút thắt” để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của FTSE Russell.

Vimexpo 2024: Cơ hội giao thương - Mở rộng kết nối
Kinh tế

Vimexpo 2024: Cơ hội giao thương - Mở rộng kết nối

Thời gian qua, ngành Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo tại Việt Nam (CNHT và CBCT) đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự khởi sắc, đóng góp tích cực vào thành quả chung của cả nền kinh tế.

Bảo Việt Nhân thọ trao giải thưởng ô tô đầu tiên của chương trình tri ân lớn nhất năm nhân dịp sinh nhật lần thứ 28
Thị trường

Bảo Việt Nhân thọ trao giải thưởng ô tô đầu tiên của chương trình tri ân lớn nhất năm nhân dịp sinh nhật lần thứ 28

Vừa qua, tại Bình Phước, trong lễ quay thưởng đợt 1 chương trình “Bảo vệ cả nhà - vi vu thả ga” của Bảo Việt Nhân thọ, giải thưởng ô tô VF5 Plus cùng 48 giải thưởng giá trị khác đã được trao đến các khách hàng may mắn trên toàn quốc. Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến 60 năm Bảo Việt và kỷ niệm 28 năm thành lập Bảo Việt Nhân thọ.

Thiên Long (TLG) điều chỉnh chức danh các Phó Tổng Giám đốc
Kinh tế

Thiên Long (TLG) điều chỉnh chức danh các Phó Tổng Giám đốc

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG) vừa đưa ra quyết định điều chỉnh hệ thống chức danh của các Phó tổng Giám đốc. Việc điều chỉnh chức danh không ảnh hưởng đến quyền hạn, thẩm quyền phê duyệt, trách nhiệm và phạm vi công việc của các Phó tổng Giám đốc này.