Trong tiến trình đổi mới, hoạt động Quốc hội là một nhân tố then chốt để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Sự đổi mới của Quốc hội không chỉ nhằm đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội mà còn là bước đi cần thiết để khẳng định và củng cố vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đồng thời đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với những biến đổi trong môi trường quốc tế cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, khẳng định vị thế và vai trò Việt Nam trên trường quốc tế.
Với các bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn được tổng hợp trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra các luận điểm rõ ràng về vai trò trọng yếu của Quốc hội trong việc đáp ứng yêu cầu của sự đổi mới toàn diện, hướng đến một Nhà nước “thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Từ đây, Quốc hội không chỉ là cơ quan lập pháp cao nhất mà còn là công cụ thiết yếu để phản ánh và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đa số cử tri và nhân dân.
Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, để lan tỏa tinh thần cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội có thể tiến hành thảo luận về nội dung sách, kết hợp truyền thông rộng rãi về ý nghĩa và tầm quan trọng của sách; quảng bá nội dung cuốn sách trên phát thanh, truyền hình, báo chí và mạng xã hội bằng video, bài viết tóm tắt, phỏng vấn tác giả và độc giả; xuất bản sách dưới nhiều định dạng và phân phối đến thư viện, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; tạo podcast, video ngắn giới thiệu sách và sử dụng nền tảng giáo dục trực tuyến để phổ biến nội dung sách.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ, việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền không chỉ dừng lại ở xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh mà còn phải đưa những giá trị pháp quyền vào thực tiễn cuộc sống. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, từ lập pháp đến hành pháp và tư pháp, nhằm tạo ra môi trường pháp lý công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Theo Tổng Bí thư, nói “luật pháp là tối thượng, nhưng thực tiễn lại là tiêu chuẩn của chân lý” là nói hai mặt của một vấn đề tưởng như mâu thuẫn mà thống nhất biện chứng với nhau. Một mặt phải coi pháp luật là tối thượng, mọi người, mọi cơ quan, tổ chức phải chấp hành nghiêm luật pháp. Có như vậy, xã hội mới có trật tự, kỷ cương. Nhưng mặt khác lại phải thấy, luật, pháp lệnh ra đời là do yêu cầu của thực tiễn, phản ánh thực tiễn, từ tổng kết thực tiễn mà khái quát lên xây dựng thành luật, pháp lệnh để quay trở lại phục vụ thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn phát triển.
Cuốn sách cũng khẳng định tầm quan trọng của dân chủ và sự tham gia của nhân dân trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; nhân dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng kết quả của tiến trình đổi mới mà còn là chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình này; điều này phù hợp với nguyên tắc “nhân dân làm chủ” mà Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cho rằng, nhân dân là chủ thể và cội nguồn của quyền lực nhà nước. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhân dân trao quyền lực nhà nước cho Quốc hội được bầu ra bằng phiếu phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội quyết định những vấn đề về quốc kế dân sinh…
Với cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”,có thể khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công trong việc kết nối lý luận với thực tiễn, đưa ra những chỉ đạo cụ thể, khả thi, hướng dẫn Quốc hội và các cơ quan nhà nước khác hoạt động hiệu quả hơn. Vì thế, cuốn sách thực sự là tài liệu quý, như kim chỉ nam cho những bước đi tiếp theo trong quá trình hướng tới một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hoàn thiện và bền vững.