Tại Ảrập Xêút, chỉ trong hai ngày 15 - 16.6 đã có gần 600 người hành hương tử vong khi đi dưới cái nóng 52 độ C, và đến nay con số thương vong này đã lên tới hơn 1.300 người. Tại New Delhi, Ấn Độ, từ ngày 11 - 19.6 ghi nhận 192 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng, mức cao kỷ lục so với cùng kỳ trong 5 năm qua.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng trải qua tháng 6 với nhiều ngày nóng nhất từ trước đến nay. Chỉ trong 20 ngày đầu tháng, cả nước đã có trung bình 2,4 ngày nắng nóng gay gắt, cao gấp 4 lần so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020.
Không chỉ châu Á và Trung Đông, những đợt nắng nóng cực đoan cũng đang xảy ra ở châu Âu và châu Mỹ. Các thành phố ở Bờ Đông của Mỹ cũng đang phải ứng phó trước nhiệt độ cao kỷ lục. Thành phố Baltimore và thành phố Philadelphia đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục gần 38 độ C hôm 23.6. Các bang ở Bờ Tây cũng có mức nhiệt cao hơn 15 độ C so với nền nhiệt thông thường vào thời điểm này của năm.
Giám đốc Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu châu Âu Copernicus Carlo Buontempo bày tỏ sự lo ngại rằng, những chuỗi nắng nóng này không biết khi nào sẽ kết thúc, có thể là trong vài tháng tới, cũng có thể kéo dài lâu hơn một chút. Song điều này sẽ không làm thay đổi bức tranh toàn cảnh, khi nhiệt độ trung bình trong 5 năm tới có thể sẽ ấm hơn nhiệt độ trung bình của 5 năm qua. Vì vậy sẽ không có gì ngạc nhiên khi trong tương lai, những kỷ lục nắng nóng sẽ lại xuất hiện.
Nhiều chuyên gia nhận định, nắng nóng gay gắt ở hàng loạt quốc gia là do biến đổi khí hậu, khiến bề mặt trái đất ngày càng nóng lên. El Nino dù suy yếu nhưng luôn có độ trễ với nhiệt độ, vì vậy nó cũng góp phần cho nhiệt độ tăng cao bất thường. Chu trình vận động của El Nino gắn liền với hoạt động của hoàn lưu Walker, đó là dòng mây ẩm phát triển ở khu vực bờ Tây của nước Mỹ, còn ở khu vực bờ Đông của nước Mỹ, khu vực châu Á, vùng lục địa Ấn Độ là vùng dòng giáng, ở đây tồn tại khối áp cao nhiều ngày, với những dòng khí thổi từ trên xuống sẽ ngăn cản quá trình hình thành mây đối lưu gây mưa.
Các nhà khí tượng theo dõi và thấy rằng khối áp cao tồn tại ở khu vực châu Á trong giai đoạn suốt từ đầu năm tới giờ, tháng 5 - 6 hoạt động mạnh hơn so với trung bình, đồng nghĩa là dòng giáng mạnh hơn, khiến cường độ nắng gia tăng, dẫn đến nắng nóng cực đoan kéo dài và gay gắt ở một loạt khu vực như bờ Đông nước Mỹ, Ấn Độ và Ảrập Xêút.