Trường mới có tên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc, nằm trên khu đất rộng 1,5 ha ở trung tâm thị trấn huyện.
Trước đó, đầu tháng 2.2024, lãnh đạo huyện Mèo Vạc đã về Hà Nội và bàn bạc với Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie về dự án xây dựng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc. Hai bên đã thống nhất về tiến độ, trong năm 2024 là giai đoạn chuẩn bị đầu tư; năm 2025 - 2026 là giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản; dự kiến tuyển sinh từ năm học 2026 - 2027.
Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhà trường cử đầu mối làm việc với UBND huyện Mèo Vạc để khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ dự án xây dựng công trình. Sau đó, Trường Marie Curie sẽ tựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để thi công xây dựng và bàn giao cho huyện Mèo Vạc đưa vào sử dụng.
UBND huyện Mèo Vạc sẽ lập hồ sơ xin chủ trương của cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án; chuẩn bị quỹ đất có diện tích phù hợp để xây dựng trường. Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ bố trí kinh phí đối ứng để mua sắm các trang thiết bị phục vụ việc ăn ở của học sinh bán trú.
“Tôi có ước mong trong khoảng 4 năm tới, nhất là năm Giáp Thìn 2024 thiên thời - địa lợi - nhân hoà và sức khoẻ của mình bình thường để hoàn thành 4 dự án giúp bà con huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang”, thầy Khang chia sẻ.
"4 dự án" mà thầy Khang nói, gồm dự án trồng cây sa mộc, dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh, đầu tư đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc và xây Trường Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc.
Theo ước tính, chi phí xây dựng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc khoảng 100 tỷ đồng, do thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang tài trợ.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang kể lại “mối lương duyên” giữa Trường Marie Curie và huyện Mèo Vạc. Mối duyên này bắt đầu vào năm 2021, xuất phát từ đề án Quốc gia trồng 1 tỷ cây xanh. Thầy Khang quyết định trồng 2 vạn cây Sa Mộc tại xã Khâu Vai, Mèo Vạc và tới năm 2024 tiếp tục trồng 3 vạn cây, tương lai tạo thành khu rừng Marie Curie. Tiếp đó, thầy trò Trường Marie Curie hỗ trợ sách giáo khoa, truyện, đồ dùng học tập cho một số trường ở Mèo Vạc.
Lắng nghe tâm tư của thầy Bùi Văn Thư (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc) về vấn đề huyện thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh dạy lớp 3, thầy Khang suy nghĩ, trăn trở rất nhiều.
Sau đó, thầy Khang quyết định tuyển 22 giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến cho 2.609 học sinh lớp 3 của toàn huyện Mèo Vạc. Sau một năm học, thầy trò đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, thầy Khang đề nghị tiếp tục thực hiện dự án cho đến khi lứa học sinh này hoàn thành bậc Tiểu học.
Tuy nhiên, việc tuyển giáo viên dạy trực tuyến Tiếng Anh cho học sinh vùng cao không phải là “kế sách” lâu dài.
Trăn trở với tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh của huyện Mèo Vạc, thầy Nguyễn Xuân Khang đã quyết định cấp học bổng đào tạo 30 sinh viên ngôn ngữ Anh là người của địa phương theo hình thức “cử tuyển” và “xã hội hóa”, sau khi tốt nghiệp trở về giảng dạy tại quê hương. Lễ ký cam kết dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc được Trường Marie Curie đã được tổ chức ngày 25.11.2023.
Theo thầy Khang, ý tưởng đào tạo người địa phương trở thành giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc để dạy lâu dài nếu làm được sẽ giải quyết tận gốc vấn đề thiếu giáo viên không chỉ ở Mèo Vạc mà còn tại các địa phương khác.
Dự án thực hiện theo hình thức “cử tuyển” và “xã hội hóa”. UBND huyện chọn tuyển sinh viên cử đi học Đại học chuyên ngành tiếng Anh, sau khi tốt nghiệp, tiếp nhận số giáo viên này về dạy tiếng Anh cho quê hương. Với dự án này, Trường Marie Curie cấp học bổng tối thiểu 5 triệu/tháng/sinh viên trong 4 năm, bắt đầu từ tháng 12.2023. Dự án sẽ “nuôi” 30 sinh viên, dự tính kinh phí lên tới 6 tỷ - 12 tỷ đồng.
Hiện nay, 17 sinh viên đã tham gia dự án. Năm học tới, dự án sẽ tuyển thêm 13 sinh viên để đào tạo.
Mèo Vạc là một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, địa hình hiểm trở, chủ yếu là núi đá. Toàn huyện có 18 xã, thị trấn, dân số gần 100.000 người, với 17 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 78%. Người dân sống rải rác trên các sườn núi hoặc các thung lũng, quần tụ theo dân tộc, dòng họ.
Là huyện vùng cao biên giới, đời sống kinh tế, xã hội của người dân huyện Mèo Vạc còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2022, huyện Mèo Vạc có trên 10.000 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm tỷ lệ 57,61%); hơn 1.600 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 9,46%).