Đầu tiên là xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm trước với mức 18,6%. Trong đó, xuất khẩu đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% (riêng khu vực kinh tế trong nước tăng 33,3%); nhập khẩu đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18%. Sau hai tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD.
Thứ hai, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%. Một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao như: sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 27,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 25,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 23,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 23,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,1%; dệt tăng 17,6%.
Thứ ba, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) tính đến ngày 20.2 đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện 2 tháng đầu năm nay cũng cao nhất trong 5 năm qua với 2,8 tỷ USD.
Những điểm sáng này cho thấy nền kinh tế đang có những bước đi khá hanh thông ngay những tháng đầu năm. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% của năm nay, vốn được đánh giá là rất thách thức, sẽ có cơ hội để hoàn thành. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, chúng ta cũng chưa trọn vẹn niềm vui với những chỉ dấu tích cực này.
Chẳng hạn, nhập khẩu hai tháng đầu năm tăng cao hàm ý chu kỳ sản xuất sau khá khởi sắc, tuy nhiên cũng phần nào tạo sức ép lên tỷ giá. Bên cạnh đó, xuất khẩu của nước ta về cơ bản là xuất thô và xuất siêu cơ bản là của khu vực FDI. Vì thế, thành tích xuất khẩu không lan tỏa nhiều đến giá trị tăng thêm, mà giá trị tăng thêm bao gồm hai yếu tố cơ bản là thu nhập của người lao động và thặng dư sản xuất.
Nhìn lại, năm 2010, xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 54,2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa, đến năm 2023 đã tăng lên trên 74% trong năm 2023. Điều này phần nào cho thấy khu vực FDI đang dần lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước. Tình hình này hầu như sẽ không thay đổi trong nhiều năm nữa. Nền kinh tế Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế của FDI trong một tương lai không xa.
Đồng hành với thành tích xuất khẩu của khu vực FDI là luồng tiền chảy ra thông qua chi trả sở hữu cũng tăng mạnh, do họ làm ăn hiệu quả hơn. Nếu GDP theo giá thực tế năm 2021 so với 2010 tăng 3,1 lần thì chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài năm 2021 so với 2010 tăng khoảng 5,1 lần.
Như vậy, tuy khu vực FDI đóng góp cao vào tăng trưởng, nhưng lại góp phần không nhỏ làm luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần túy tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP khá nhiều khi chuyển lợi nhuận về nước. Năm 2023, ước tính luồng tiền chảy ra nước ngoài thông qua chi trả sở hữu khoảng 21 tỷ USD trong khi đầu tư của khu vực FDI năm 2023 theo Tổng cục Thống kê là khoảng 23 tỷ USD.
Hoặc, nhóm ngành công nghiệp hầu như có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp và lan tỏa đến nhập khẩu cao hơn các ngành khác trong nền kinh tế. Nền công nghiệp Việt Nam thực chất là nền công nghiệp gia công lắp ráp phụ thuộc vào FDI rất lớn, hàm lượng giá trị tăng thêm rất thấp và hàm lượng giá trị tăng thêm mà phía Việt Nam nhận được còn thấp hơn nhiều, nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất.
Thực tế này hàm ý rằng, để tăng trưởng thực sự bền vững và đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thì còn rất nhiều việc phải làm.