Chiều 7.1, tại Hà Nội, Báo Công Thương đã phối hợp với Cục Công nghiệp, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) tổ chức Lễ ký kết chương trình hợp tác truyền thông toàn diện giai đoạn 2025-2030.
Lễ ký kết có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện; Lãnh đạo các cơ quan báo chí truyền thông và một số doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ; Ban Lãnh đạo Báo Công Thương cùng tập thể phóng viên, biên tập viên, người lao động đang công tác tại Báo.
Nhiều khởi sắc trong công tác truyền thông ngành Công Thương
Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh cho biết, hôm nay, không chỉ Báo Công Thương mà các cơ quan truyền thông và các Cục, Vụ, Viện, các doanh nghiệp và cơ quan trực thuộc Bộ rất vui mừng khi được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tới dự, chứng kiến Lễ ký kết, gặp mặt động viên viên chức, người lao động làm công tác truyền thông trong Bộ Công Thương.
“Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc, cũng là niềm vui, niềm tự hào và là động lực, truyền cảm hứng cho mỗi người làm báo” - Tổng Biên tập Báo Công Thương chia sẻ và cho biết thêm, đây là lần thứ 4 trong năm 2024 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đến thăm và làm việc tại toà nhà 655 Phạm Văn Đồng. Không chỉ thế, tháp tùng Bộ trưởng còn có đầy đủ “Tư lệnh, phó Tư lệnh” mọi ngành, mọi lĩnh vực của Bộ.
Trước đó, mở đầu Chương trình ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các đại biểu đã xem một video clip ngắn khái quát lại bức tranh ngành Công Thương trong năm 2024 và hoạt động truyền thông của ngành Công Thương nói chung và của Báo Công Thương nói riêng trong năm.
Theo Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh, qua phóng sự ngắn được trình chiếu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các vị đại biểu đã hình dung phần nào bức tranh công tác truyền thông và sự hợp tác giữa Báo Công Thương, các cơ quan truyền thông Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc Bộ trong thời gian qua.
“Chúng tôi tâm niệm rằng, trong thành công vang dội của ngành Công Thương và để Báo Công Thương và các cơ quan truyền thông có chất liệu tuyên truyền thì nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Bộ chính là thực lực, là nguồn gốc, là sức mạnh của tuyên truyền” - Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh chia sẻ và cho biết thêm, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết một câu rất hay trong lĩnh vực ngoại giao nhưng cũng đúng cả với công tác truyền thông: “Thực lực như cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Ở đây, Bộ Công Thương có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công tác tuyên truyền mới hay và "mây mù mới tự tan biến".
Tuy nhiên, theo Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh, công tác tuyên truyền là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp; hiện lại đang diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước có nhiều thách thức mới, tình hình sáp nhập bộ máy ảnh hưởng không nhỏ tới công tác báo chí, truyền thông. Dù vậy, các cơ quan truyền thông ngành Công Thương bước đầu may mắn có được sự ổn định nhưng cũng đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.
Nếu như ngành Công Thương năm 2024 là đầu tàu kinh tế, vượt mức mọi chỉ tiêu nhiệm vụ, rất nhiều chỉ tiêu tăng trưởng hai con số và lập kỷ lục thì với các cơ quan truyền thông của Bộ Công Thương, các nhiệm vụ tuyên truyền có khởi sắc, tăng trưởng uy tín, thứ hạng người đọc, người xem tăng cao. Nhưng chỉ có một chỉ số giảm sút chung giống như mọi cơ quan báo chí khác, đó là chỉ tiêu về kinh tế báo chí, doanh thu….
“Như với Báo Công Thương doanh thu giảm gần 30%... Một lý do quan trọng là do cắt giảm nguồn kinh phí truyền thông chính sách hoặc nhiều dự án truyền thông chính sách chậm triển khai, do vướng thủ tục cơ chế “điểm nghẽn của điểm nghẽn” - đồng chí Nguyễn Văn Minh thẳng thắn chia sẻ.
Đồng thời tin tưởng, các cơ quan báo chí, truyền thông của ngành vẫn ổn định và tin tưởng ở tương lai tươi sáng, ở những quan tâm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước. Và điều quan trọng như Bộ trưởng nhiều lần thường nhắc câu nói của tỷ phú, nhà đầu tư nổi tiếng thế giới người Mỹ Warren Buffett, là “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Cũng theo Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh thời gian qua, Báo Công Thương luôn may mắn luôn có sự đồng hành của những người đồng chí là các Cục, Vụ, viện, doanh nghiệp trực thuộc Bộ; đồng hành cả lúc đi xa và cả lúc đi một mình.
"Báo Công Thương đã, đang và sẽ luôn tiếp tục sát cánh cùng nhau. Nhưng điều quan trọng là từ hôm nay, trước sự chứng kiến của Bộ trưởng, các chương trình hợp tác truyền thông sẽ được nâng lên tầm cao mới trong kỷ nguyên vươn mình" - Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh kỳ vọng và đặt niềm tin.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong công tác truyền thông thời gian tới, nhất là từ năm 2025 với các nhiệm vụ hết sức nặng nề trong kỷ nguyên vươn mình, thay mặt những người làm công tác truyền thông và các đơn vị trực thuộc Bộ, Tổng Biên tập Báo Công Thương xin hứa với Bộ trưởng một số việc cần tập trung:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ và cụ thể hoá vào công tác tuyên truyền với tinh thần “tiếp tục phát huy những động lực mới, làm mới những động lực tăng trưởng cũ” và cả suy nghĩ không cũ về những vấn đề không mới. Ý chí quyết tâm, trách nhiệm chính trị phải nâng lên tầm cao mới theo tinh thần “ý chí nhân đôi, nỗ lực nhân đôi và kết quả công việc hoàn thành tốt gấp đôi”.
Hai là, tiếp tục mở rộng dư địa hợp tác, cùng nhau hoàn thành tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội. Với báo chí thì làm tốt các đề án truyền thông chính sách và các chương trình hợp tác; với các đơn vị trực thuộc Bộ thì hoàn thành tốt hơn công tác cung cấp thông tin và hơn thế là cùng nhau đồng hành, mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan báo chí truyền thông ngoài ngành
Ba là, đối với các cơ quan báo chí truyền thông, làm tốt việc sắp xếp bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần nghị quyết 18; hoạt động đúng tôn chỉ mục đích; đề cao chức năng, sứ mệnh của báo chí cách mạng và truyền thống 80 năm các cơ quan báo chí truyền thông ngành Công Thương, đoàn kết, kỷ cương; không để xảy ra sai sót, nâng cao uy tín, sức lan toả thông tin; làm tốt chức năng “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể” trước và sau Đại hội Đảng các cấp…
Nhân dịp năm mới, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh cũng gửi lời chúc tới chúc Bộ trưởng và lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc, thành công, tiếp tục dẫn dắt ngành Công Thương lập nhiều kỳ tích mới trong năm 2025.
Truyền thông đóng vai trò trung tâm giúp lan tỏa đổi mới, phát triển
Tại Lễ ký kết, đại diện cho các đơn vị ký kết hợp tác truyền thông toàn diện với Báo Công Thương, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá cao công tác truyền thông của Báo Công Thương cũng như của các đơn vị báo chí khác trong Bộ Công Thương. Công tác truyền thông đã đóng góp lớn vào những kết quả kỷ lục mà ngành Công Thương lập được trong năm 2024.
Hơn hai năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo Bộ Công Thương đã đưa ngành vượt qua thách thức, đạt những thành tích lịch sử, tiêu biểu là kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 800 tỷ USD, xuất khẩu đạt 400 tỷ USD – mức tăng nhanh nhất trong 40 năm đổi mới, bất chấp khó khăn kinh tế toàn cầu.
Những thành tựu nổi bật có thể kể đến như hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 trong 6 tháng, dầu khí vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, công nghiệp chế biến tăng trưởng 10%, thương mại điện tử đạt 25 tỷ USD và thương hiệu quốc gia vượt 500 tỷ USD.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật với việc trình và ban hành 68 văn bản quy phạm pháp luật, tạo bước đột phá về thể chế cho ngành. Những kết quả trên khẳng định vai trò của Bộ trong phát triển kinh tế, đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cục trưởng Phạm Nguyên Hùng nhấn mạnh, việc duy trì và nâng tầm vị thế yêu cầu một hướng tiếp cận mới, trong đó truyền thông đóng vai trò trung tâm như cách để lan tỏa những câu chuyện đổi mới và sáng tạo.
Có thể nhận thấy, truyền thông giúp tăng nhận thức của xã hội đối với các thành tựu và thách thức trong công nghiệp. Đây không chỉ là một công cụ cung cấp thông tin, mà còn là cách để khởi nguồn cảm hứng, khuyến khích sáng tạo và đề cao tinh thần tự hào của người lao động trong ngành.
Hợp tác truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, mà còn giúp thế giới biết đến những câu chuyện độc đáo, bên lâu mang dấu ấn của trí tuệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Thông qua đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội nâng cao uy tín, thu hút đầu tư và xây dựng mối quan hệ bền vững với đối tác trong và ngoài nước.
Lễ ký kết giữa Báo Công Thương và các đơn vị tiêu biểu trong ngành đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc xây dựng chiến lược truyền thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Đây không chỉ là sự kết nối về nội dung mà còn gắn kết bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm đổi mới trong truyền thông.
Báo Công Thương được ghi nhận là đơn vị đầu ngành về truyền thông trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Các nội dung được báo khai thác không chỉ nhấn mạnh vào số liệu kinh tế, mà còn khai thác các khía cạnh văn hoá, con người và những nỗ lực thầm lặng của người lao động.
Bên cạnh việc tăng cường truyền tải thông tin, các bên tham gia cam kết cùng đồng hành, hỗ trợ Báo Công Thương để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo Bộ Công Thương. Như đã được nhấn mạnh, với lĩnh vực công thương đóng góp khoảng 70-80% GDP cả nước, vai trò của truyền thông trong ngành không chỉ là cần thiết mà còn là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế.
Lễ ký kết cũng mang đến hy vọng về một hành trình đồng hành cùng doanh nghiệp. Đây không chỉ là một sự kiện mang tính biểu tượng mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về tầm nhìn và sứ mệnh của ngành công nghiệp Việt Nam trong chặng đường phía trước.
Bước ngoặt trong công tác truyền thông ngành
Tại Lễ ký kết, Tổng Biên tập Báo Công Thương đã ký và trao biên bản ký kết hợp tác truyền thông toàn diện giữa hai đơn vị giai đoạn 2025-2030 với 4 đơn vị gồm: Cục Công nghiệp, Viện Nghiên cứu cơ khí, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Hoạt động ký kết trên nhằm triển khai hiệu quả các chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ Công Thương, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách một cách toàn diện, thực chất và đạt được nhiều kết quả hơn nữa.
Đây được coi là bước ngoặt trong công tác truyền thông, tuyên truyền của Báo Công Thương, của ngành Công Thương; đánh dấu cột mốc lần đầu tiên Báo Công Thương ký kết hợp tác truyền thông toàn diện với nhiều đơn vị chức năng trong Bộ. Việc Báo Công Thương ký kết hợp tác toàn diện với 4 cơ quan này sẽ là nền tảng để Báo Công Thương tiếp tục có cơ hội gắn bó sâu sắc hơn nữa với tất cả các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành Công Thương nói chung và các đơn vị khác nói riêng.
Không những vậy, việc ký kết hợp tác toàn diện với tất cả các cơ quan, đơn vị cũng sẽ góp phần quan trọng đưa tới độc giả cả nước thông tin về ngành Công Thương một cách toàn diện, chính xác, kịp thời đấu tranh với những thông tin chưa được kiểm chứng.
Kỷ lục ấn tượng và chiến lược truyền thông đột phá 2025
Tham dự và phát biểu chỉ đạo trong Chương trình ký kết hợp tác truyền thông toàn diện giai đoạn 2025-2030 giữa Báo Công Thương với Cục Công nghiệp, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2024 đã đi qua với biết bao khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức ngoạn mục.
“Những kỷ lục ngành Công Thương lập được trong năm qua đã được báo chí truyền thông trong và ngoài nước đưa tin. Chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành rất tốt 15/15 chỉ tiêu so với kế hoạch. Nổi bật trong đó là GDP đã tăng trưởng đến 7,09%” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và nhấn mạnh, những kết quả này đã khẳng định nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng lớn nhất so với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.
Cũng theo Bộ trưởng, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu nhiều biến động, cùng đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, bão lũ, song với việc chủ động các giải pháp trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa thị trường, chúng ta đã vượt qua, vượt qua tất cả để có được những kết quả quan trọng, đó là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 800 tỷ USD; quy mô GDP có giá trị khoảng 497 tỷ.
Những kết quả của ngành Công Thương đã đóng góp lớn vào tăng trưởng trung của cả nước, cụ thể:
Thứ nhất, công nghiệp chế biến chế tạo, biểu tượng của công nghiệp hoá tăng trưởng gần 10%, cao nhất 6 năm qua. Năm 2024, tăng trưởng ngành công nghiệp đạt mức bình quân cả năm 8,4%, kết quả này đóng góp rất lớn vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành Công Thương. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng trên 10% là trụ cột, là dẫn dắt cho tăng trưởng trong lĩnh vực này.
Thứ hai, trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất nhập năm 2024 đạt 786,3 tỉ USD. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng. Trước đó 1 tuần, số liệu thống kê của Bộ Công Thương đã là 810 tỷ USD. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê công bố hôm 6/1 vẫn chưa cập nhật đủ số liệu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, đây mới chỉ là số liệu cập nhật thống kê thông qua hải quan, nếu tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài thời gian qua, con số này còn lớn hơn rất nhiều. Dù vậy, số liệu kim ngạch xuất nhập trên cho thất, Việt Nam tiếp tục khẳng định là 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô tăng trưởng thương mại lớn nhất thế giới. Xuất siêu 2025 đạt khoảng 25 tỷ USD, góp phần đảm bảo cân đối cán cân thương mại.
Thứ ba, thị trường trong nước tiếp tục tăng trưởng 9% trong suốt các năm qua, bất chấp tác động của Covid-19. Như vậy, quy mô thị trường trong nước đã lớn lên qua từng năm và đến hiện tại, chúng ta đã đạt mức tăng trưởng 9%, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển.
Thứ tư, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt 25 tỉ đUSD, với tốc độ tăng trưởng trên 20 %, là một trong 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Thứ năm, năm 2024 ngành Công Thương đã gặt hái nhiều thành công trong công tác tham mưu, ban hành nhiều chính sách, cơ chế để tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và năng lượng.
Điển hình là việc trình Quốc hội, thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) trong một thời gian ngắn kỷ lục 7 tháng từ lúc triển khai nghiên cứu, đề xuất cho đến khi Quốc hội thông qua. “Đây là điều chưa bao giờ xảy ra, nhất là với luật khó như Luật Điện lực. Điều này góp phần tháo gỡ tất cả những nút thắt, những ách tắc trong việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực điện năng. Đây là một thắng lợi rất lớn” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và biểu dương. Cũng theo Bộ trưởng, việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực sửa đổi sẽ tạo thêm động lực để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với kết quả “đột phá của đột phá”.
Thứ sáu, nhắc lại sự kiện Bộ Chính trị tái khởi động các dự án điện nhân tại Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chủ trương khởi động lại chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng chỉ trong 19 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương báo cáo với các cấp có thẩm quyền, đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ và cuối cùng là Quốc hội thông qua. Đến thời điểm hiện nay, Bộ đang rất hối hả để triển khai dự án này theo đúng tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, với Luật Khoáng sản, ngay sau khi Bộ Công Thương hoàn thiện quy hoạch về khai thác, chế biến khoáng sản, đã có luật điều chỉnh.
Điểm lại tình hình phát triển kinh tế, công nghiệp, thương mại của ngành Công Thương năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, những kết quả ngành Công Thương đạt được trong 2024 đã góp phần tạo nên những thắng lợi lớn của đất nước.
“Trong chiến công đó, có sự đóng góp rất lớn của các Cục, Vụ chức năng và các cơ quan báo chí truyền thông ngành Công Thương đóng góp rất lớn, quan trọng, tích cực vào kết quả của toàn ngành và của đất nước” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò truyền tải thông tin của Báo Công Thương.
Theo Bộ trưởng, những năm qua, các cơ quan báo chí truyền thông trong bộ Công Thương đã có sự phát triển, thay đổi toàn diện cả về diện mạo, nội dung. Trong đó, Báo Công Thương đã phát triển, trở thành một tờ báo quyền lực, uy tín trong ngành Công Thương và của cả nước.
Bộ trưởng cho biết, hiện tại, Việt Nam có 844 báo và tạp chí trong cả nước. Bình quân cứ 100.000 người dân thì có một tờ báo của một cơ quan báo chí. Do đó, vị trí xếp hàng 24 top các tờ báo có lượng truy cập nhiều nhất trong cả nước đã phản ánh chính xác những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của Báo Công Thương.
Cũng trong báo cáo Bộ Công Thương, năm 2025 là một năm đặc biệt quan trọng khi đây là năm Việt Nam cán đích mục tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm năm giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, năm 2025 cũng đặt ra nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình dân tộc với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phải trở thành nước công nghiệp có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, nước ta trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao, trở thành nước phát triển.
Để đạt mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng bắt đầu từ năm 2025 phải từ 8 - 10% GDP và từ năm 2026, trong nhiệm kỳ của Đại hội XIV, phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10% trở lên. Để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP như vậy, ngành Công Thương phải đạt hệ số 1,2 - 1,3.
Nếu tăng trưởng GDP là 10% thì ngành Công Thương phải tăng trưởng từ 12 -13%. Ngành điện tăng trưởng từ 15-16% so với cùng kỳ và ngành điện thì phải tăng trưởng từ 15 - 16 %. Như vậy, thách thức với chúng ta là rất lớn, trách nhiệm dâng cao nhưng nhiệm vụ thì cũng rất nặng nề, cho nên thách thức lại càng phải lớn.
Đối với ngành Công Thương, đối với Bộ Công Thương, đối với các cơ quan thuộc Bộ thì càng thách thức chúng ta lại càng bật mạnh. Những rào cản, thách thức trong năm 2024 sẽ là bài học, kinh nghiệm của năm 2025.
“Chúng ta cần phải có nhận thức đúng, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, kiên trì và hiệu quả. Đặc biệt là phải đổi mới, phải đổi mới hơn nữa để thể đạt được những cái mục tiêu đã đặt ra” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và chỉ đạo, công tác truyền thông trong Bộ Công Thương phải đi trước để dẫn hướng mở đường, đi cùng để tuyên truyền vận động và đi sau để tổng kết, rút kinh nghiệm.
Hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, Báo Công Thương cùng các cơ quan báo chí Bộ Công Thương cần phải tổ chức quán triệt thực, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế xã hội. Những quan điểm, chủ trương, những cơ chế, chính sách mới của Đảng, Nhà nước được các cơ quan báo chí, truyền thông truyền tải sâu rộng, giúp độc giả cũng như cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Công Thương nhận thức đúng, hành động đúng và hành động quyết liệt, hiệu quả.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, mỗi một cái đơn vị báo chí, truyền thông cần phải xây dựng và thực hiện cái kế hoạch hành động của mình một cách cụ thể, có phân công, phân nhiệm rõ ràng; có kiểm tra, giám sát, đánh giá trong từng giai đoạn và rút kinh nghiệm để chúng ta làm tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, cơ quan báo chí, truyền thông và Báo Công Thương cần phải bám sát hơn nữa sự chỉ đạo, điều hành của Ban cán sự, lãnh đạo Bộ, tình hình, kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ, cũng như các nhiệm vụ của ngành Công Thương để xây dựng các đề án, kế hoạch tuyên truyền sao cho đạt được các mục tiêu mà Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đặt ra cũng như giúp cho các đơn vị chức năng của Bộ thực thi tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thứ ba, Báo Công Thương cũng như các cơ quan báo chí Bộ Công Thương cần phải làm tốt hơn việc cung cấp kịp thời và chính thống các thông tin, nhất là thông tin từ chỉ đạo điều hành của Bộ và thông tin chính thống liên quan đến ngành.
Thứ tư, phải tiếp tục đổi mới trong các hoạt động thông tin truyền thông bằng cách ứng dụng rộng rãi hơn, sâu rộng hơn về công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ để đuổi kịp tiến cùng, thậm chí là vượt trước các tờ báo khác nếu như liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình.
“Báo Công Thương đã vươn lên top 24 các tờ báo có lượng truy cập lớn nhất cả nước, thời gian tới, Báo phải phấn đấu vượt hơn nữa, thậm chí trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi của mình thì phải là dẫn đầu, chứ không phải là đi cùng” - Bộ trưởng kỳ vọng.
Thứ năm, phải chú trọng hợp tác trong công tác truyền thông. Cần đẩy mạnh hợp tác truyền thông không chỉ với các đơn vị trong Bộ mà còn ngoài Bộ; không chỉ trong các doanh nghiệp thuộc Bộ mà còn cả các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Cùng đó, phải đẩy hợp tác truyền thông toàn diện với các địa phương, thậm chí hợp tác truyền thông cần phải vươn tầm quốc tế, hợp tác trong đào tạo cung cấp thông tin với các thị trường đối tác trọng điểm của Việt Nam, như Trung Quốc.
Thứ sáu, cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương cần phải rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy bên trong, cơ cấu tổ chức để tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đánh giá để bố trí, sắp xếp lại nhân sự sao cho phù hợp, thực hiện trước ngày 30.6.2025.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá, việc ký kết của Báo Công Thương với 4 đơn vị trong Bộ là hướng đi, cách làm mới, rất đúng và trúng. Mô hình hợp tác này cần tiếp tục nhân rộng.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh thêm việc cung cấp thông tin cần đầy đủ, kịp thời, khách quan, chính xác. Việc sử dụng thông tin và đưa tin cũng cần trung thực và phù hợp, bảo đảm 3 nguyên tắc cơ bản “nguyên tắc chính trị, nguyên tắc pháp lý và nghiệp vụ”.
“Nếu làm được điều này thì Báo Công Thương, các cơ quan báo chí, truyền thông của chúng ta thì sẽ cất cánh trong năm 2025”- Bộ trưởng tin tưởng.
Năm 2024, ngành Công Thương lập nhiều dấu ấn, kỷ lục lịch sử :
1/ Xuất nhập khẩu 800 tỷ USD, cán mốc lịch sử chưa từng có trong 40 năm đổi mới.
2/ Xuất khẩu tăng thêm 100 tỷ USD, cán mốc lịch sử 400 tỷ USD chỉ sau 3 năm, nhanh nhất trong 40 năm đổi mới.
3/Đường dây 500 kV mạch 3 hoàn thành trong 6 tháng, nhanh nhất từ trước đến nay, hình mẫu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá.
4/Dầu khí vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, lần đầu xuất khẩu điện gió ngoài khơi.
5/Công nghiệp chế biến chế tạo, biểu tượng của công nghiệp hoá tăng trưởng gần 10%, cao nhất 6 năm qua.
6/ Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20%.
7/ Thương hiệu quốc gia của Việt Nam lần đầu vượt mốc 500 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia.
8/ Ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA) sau thời gian đàm phán kỷ lục (16 tháng) - nhanh nhất trong lịch sử.
9/ Sản lượng điện toàn hệ thống điện quốc gia đến hết năm 2024 ước đạt 309,7 tỷ kWh, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023, Sản lượng ngày cao nhất đã vượt qua ngưỡng 1 tỷ kWh/ ngày, cao nhất từ trước tới nay.
10/ Kỷ lục lập pháp thông qua Luật Điện lực sửa đổi nhanh nhất.