Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Dự thảo Luật đã quy định rõ đối tượng chịu thuế, theo đó, điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống, trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay. Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh).
Như vậy, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng loại trừ các loại điều hòa “theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay” ra khỏi diện chịu thuế.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật này cho thấy, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với nội dung sửa đổi liên quan đến điều hòa nhiệt độ như đề xuất của Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không thu thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ vì hiện nay, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ đã trở nên phổ biến, không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây. Do đó, trong trường hợp vẫn tiếp tục thu thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ thì chỉ thu thuế TTĐB đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC (HCFC - nhóm chất gây suy giảm tầng ozone dùng làm dung môi chất lạnh sử dụng trong thiết bị làm lạnh và trong công nghiệp bán dẫn, được sản xuất trong nước, nhập khẩu riêng hoặc chứa trong các thiết bị điện lạnh nhập khẩu - PV) để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hoặc phân loại theo công suất thiết kế và không thu thuế đối với loại điều hòa có công suất thiết kế được sử dụng phổ biến, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân. Đồng thời, cần rà soát để bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện trong việc loại trừ một số loại điều hòa ra khỏi diện chịu thuế vì còn có loại điều hòa khác được sử dụng để bảo đảm nhiệt độ phù hợp cho các hệ thống thiết bị kỹ thuật.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định không thu thuế đối với điều hòa có công suất lớn hơn 90.000 BTU là chưa bảo đảm công bằng do người thu nhập cao, sử dụng điều hòa công suất lớn hơn thì không phải nộp thuế.
Quy định thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ là không cần thiết?
Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, mặt hàng điều hòa nhiệt độ đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1998 với mức thuế suất là 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008.
Cũng theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, trước đây, điều hòa nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ, tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện nay, điều hòa nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống. Nhiều nước nghiên cứu đã chứng minh việc duy trì nhiệt độ trong phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động trí óc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi chúng ta đã có định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay. Singapore là một quốc gia trong khu vực cũng chịu khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam nhưng đã rất thành công trong việc sử dụng điều hòa nhiệt độ để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người cũng như phát triển kinh tế tri thức. Các nước khác kiểm soát điều hòa theo 2 khía cạnh khác, một là kiểm soát dung môi làm lạnh, hai là mức tiêu thụ điện năng. Hiện nay, Việt Nam đã có quy định kiểm soát dung môi làm lạnh theo hướng giảm hạn ngạch nhập khẩu các dung môi làm lạnh gây tác động tiêu cực đến tầng ozone và gây hiệu ứng nhà kính. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, do hạn ngạch nhập khẩu giảm, chi phí mua dung môi làm lạnh tăng liên tục trong các năm qua, trung bình mỗi năm tăng khoảng 15 đến 20%. Việt Nam có quy định về hiệu suất năng lượng đối với điều hòa nhiệt độ và ngày càng theo hướng tăng hiệu suất năng lượng tối thiểu. Từ thực trạng này, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ là không cần thiết nữa và nên được bãi bỏ.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ không đồng tình với việc đưa máy điều hòa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đại biểu cho rằng, “máy điều hòa không có lỗi”, và điều hòa bây giờ là một điều kiện sống tốt hơn cho người dân, tốt hơn cho sức khỏe của người già và trẻ em. Và điều quan trọng là “chúng ta hướng dẫn cách sử dụng máy điều hòa lúc nào và sử dụng thế nào, chứ không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm này”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Băn khoăn về mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất dưới 90.000 BTU vào nhóm sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, trong xu thế biến đổi khí hậu nhanh như hiện nay điều hòa nhiệt độ đã trở thành sản phẩm thiết yếu phổ thông và được sử dụng cho mọi người, mọi nhà, điều hòa nhiệt độ không thể thiếu trong mỗi gia đình. Hơn nữa, khoa học công nghệ ngày càng phát triển nên hầu hết sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn tiết kiệm điện.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét việc đưa mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất dưới 90.000 BTU vào nhóm sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, đại biểu cũng gợi mở, trong trường hợp vẫn tiếp tục áp thuế mặt hàng này thì nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại điều hòa nhiệt độ sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Ngoài ra, để bảo đảm công bằng giữa các sản phẩm điều hòa nhiệt độ, cơ quan soạn thảo bổ sung thêm đánh giá về việc chưa thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ có công suất lớn hơn 90.000 BTU, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị.