“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý, lẽ sống của người Việt Nam. Đạo lý ấy, lẽ sống ấy chính là căn cốt làm nên tâm hồn, sức mạnh Việt Nam! Không ai có thể quên những người đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Máu xương đổ xuống, lịch sử còn mãi khắc ghi.
Tháng 7 tri ân! Lòng mỗi người Việt Nam đang sống hôm nay đều lắng đọng phút giây về những người mẹ, người vợ hy sinh chồng con trong những năm tháng cả nước ra trận. Các anh không về, nước mắt các mẹ, các chị như lặn cả vào trong. Bao nhiêu chính sách, ưu đãi cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, cho người có công cũng không thể bù đắp nổi những hy sinh, mất mát ấy.
Tri ân không chỉ trong tháng 7, không chỉ ở Ngày Thương binh - Liệt sĩ, mà là tâm niệm thường trực của người dân cả nước, phải hết sức chăm lo cho thân nhân của liệt sĩ, gia đình người có công. Thời gian trôi, các mẹ, các chị già yếu dần theo năm tháng nên chăm lo càng phải chu toàn hơn.
Không thể đổ cho giấy tờ thất lạc, thiếu người làm chứng, mà cả loạt hồ sơ công nhận thương binh, liệt sĩ để tồn đọng mãi. Có ai mong mình hy sinh để nhận bằng ghi công của Tổ quốc? Có ai ước gửi lại một phần cơ thể nơi chiến trường để nhận lấy tấm thẻ thương binh, nhận tiền trợ cấp?
Thời gian qua, ngành lao động, thương binh và xã hội đã có nhiều nỗ lực để xử lý việc này, không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân. Cán bộ thực thi chính sách xuống thẳng các làng quê, tìm gặp người dân, nhất là các lão thành cách mạng, để xác minh từng trường hợp cụ thể. Chẳng có hồ sơ gốc nào bằng thực tế từ dân. 548 gia đình liệt sĩ vừa được trao Bằng Tổ quốc ghi công trong dịp 27.7 năm nay, nhưng còn bao nhiêu gia đình khác vẫn đang chờ đợi. Hy vọng họ sẽ không phải chờ lâu hơn nữa. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nói rõ tâm trạng lo lắng ấy trong chuyến làm việc với các địa phương như Côn Đảo, Quảng Ngãi, Quảng Nam vừa qua.
Nhưng cũng không thể suy nghĩ việc đây đó còn có những cá nhân tìm cách “đẻ ra” hồ sơ để trục lợi chính sách với người có công. Cứ nhớ mãi hình ảnh hai cụ ông ở Bắc Ninh đã dũng cảm, bền bỉ đưa ra ánh sáng những kẻ vụ lợi, vì tiền bạc mà xéo đạp lên đạo lý với cả nghìn hồ sơ thương binh, người có công giả. Không ra trận, không đổ máu nhưng ngụy tạo hồ sơ để hưởng ưu đãi, không hiểu những người này suy nghĩ như thế nào (?). Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nhanh chóng rà soát, kiểm tra để loại ngay những hồ sơ giả đang hưởng chính sách ưu đãi khiến dư luận bất bình. Cùng với đó, Cục Người có công cần tiếp tục có cách làm sáng tạo để số hồ sơ tồn đọng được giải quyết khẩn trương hơn.
Đất nước đi lên, đất nước hội nhập, cuộc sống ngày càng khá giả thì chẳng có cớ gì lại để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, đặc biệt là các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống bị thiếu thốn. Chăm lo chu đáo, toàn vẹn cả vật chất và tinh thần cho người có công và thân nhân họ chính là đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”.
Tổ quốc ghi công phải bằng những việc làm chân tình, cụ thể!