Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, dự thảo “Báo cáo Đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục – đào tạo giai đoạn 2011 – 2020 và chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030, kế hoạch 5 năm 2021 – 2025” có nội dung khá toàn diện, đi vào các vấn đề cốt lõi, cần quan tâm đặc biệt trong giai đoạn sắp tới.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cần đặt ra những vấn đề hết sức thực tế trong phát triển giáo dục hiện nay. Trong đó, nguồn lực và động lực cho phát triển giáo dục cần được quan tâm thỏa đáng. Có thể thấy, các quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo đã đưa ra rất trúng mục tiêu, nhiệm vụ của giáo dục Việt Nam, thậm chí có giá trị trong nhiều năm tới, nhưng việc triển khai Nghị quyết trong thời gian qua còn chậm, kết quả còn khiêm tốn, bởi nguồn lực cho giáo dục còn hạn chế.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì Hội thảo |
Do đó, Báo cáo cần làm rõ giải pháp để tạo ra nguồn lực cho giáo dục; nguồn lực đến đâu thì đặt mục tiêu cho phù hợp, tránh đặt mục tiêu cao nhưng lại vướng về đầu tư. Về động lực cho giáo dục, các ý kiến cho rằng, đến nay nước ta mới phát huy được tính hiếu học của nhân dân, nhưng chưa tạo ra được động lực để các bậc cha mẹ đầu tư, sinh viên tích cực học tập để sau này kiếm được việc làm tốt, mang lại lợi ích thiết thân. Nhà nước cần có chiến lược sử dụng nhân tài, người có trình độ một cách hợp lý để khuyến khích phát triển giáo dục và đào tạo.
Về mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các ý kiến nhấn mạnh cần quan tâm đến bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, Nhà nước cần bảo đảm điều này, ít nhất là với bậc tiểu học; bên cạnh đó, trong bối cảnh xã hội hóa về giáo dục sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, cần có những chính sách điều chỉnh để quản lý tốt và tạo điều kiện cho xã hội hóa trong giáo dục phát triển đúng hướng.
Về chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, các chuyên gia cho rằng, trong 10 năm tới, nên tập trung vào 2 nội dung: chuẩn hóa và hiện đại hóa các nhà trường và xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuyên nghiệp, cập nhật kiến thức mới. Nhà trường mạnh, giáo viên có chất lượng tốt sẽ giải quyết được những mục tiêu đặt ra trong giáo dục và đào tạo...
Theo các chuyên gia, Báo cáo cũng cần đề xuất đưa văn hóa và bồi dưỡng con người như là giải pháp đột phá chiến lược, bởi văn hóa và bồi dưỡng con người không chỉ là lĩnh vực quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà là tảng nền cho sự phát triển bền vững, là gốc rễ của sáng tạo và đột phá...