Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp.
Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số bộ, ngành...
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thủy sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã giao Bộ chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (Nghị định số 42/2019/NĐ-CP). Tại dự thảo Nghị định có quy định về việc phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Do vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép Chính phủ quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại Nghị định này.
Theo Tờ trình, việc cho phép Chính phủ quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ giúp phát hiện nhanh hành vi vi phạm trong lĩnh vực này; cung cấp bằng chứng, chứng cứ để tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU). Mặt khác, để bảo đảm việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật này.
Tại Tờ trình của Chính phủ cũng gửi kèm dự kiến Danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản gồm 9 loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cụ thể.
Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết phải có quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lưu ý, tại Luật Thủy sản năm 2017 quy định hoạt động thủy sản bao gồm các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản. Như vậy, nếu quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong “lĩnh vực thủy sản” như đề xuất tại Tờ trình của Chính phủ là rất rộng, cần phải đánh giá kỹ về tác động, cũng như điều kiện bảo đảm thi hành.
Trên cơ sở kết quả cuộc làm việc, Bộ NN và PTNT đã có Báo cáo gửi Ủy ban Pháp luật, trong đó đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính, cụ thể chỉ quy định sử dụng trong “khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản”; đồng thời, đưa ra dự kiến Danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng mới.
Một số ý kiến lưu ý, khi xác định các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì phải đi đôi với quy định về cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để có thể xác định áp dụng. Do vậy, Chính phủ cần sớm báo cáo phương án sửa đổi luật, nghị định liên quan để tạo điều kiện sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, việc áp dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nhằm phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là rất cần thiết nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tế, cũng như yêu cầu trong quản lý, phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm hành chính trong khai thác đánh bắt trên biển, qua đó thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU, góp phần sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, phát huy hơn nữa lợi thế kinh tế biển của nước ta.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Bộ NN và PTNT cần báo cáo Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc giới hạn phạm vi áp dụng quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong “khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản” khác với phạm vi trong “lĩnh vực thủy sản” đã được nêu tại Tờ trình số 60/TTr-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, nghiên cứu và cân nhắc mở rộng cho phép áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính trong chế biến thủy sản, rộng hơn phương án được Bộ NN và PTNT đề xuất tại Báo cáo gửi Ủy ban Pháp luật.
Tiếp đó, Ủy ban Pháp luật cũng xem xét, thông qua Báo cáo kết quả giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban trong năm 2022.