Đoàn người biểu tình chống Chính phủ ở Thái Lan | Nguồn: Reuters |
Dư luận Thái Lan có nhiều ý kiến khác nhau về diễn biến chính trị ở nước này, song đa số cho rằng giải tán Hạ viện và tiến hành tổng tuyển cử là giải pháp tốt nhất để bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công bằng cho tất cả các phe phái. Ý kiến khác cho rằng, động thái này sẽ không có tác dụng trong việc giải quyết khủng hoảng chính trị hiện nay. Phó giáo sư Pavin Chachavalpongpun tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto nhận định, kêu gọi một cuộc bầu cử mới chỉ là biện pháp tình thế của chính quyền Yingluck và nó sẽ không khai thông bế tắc chính trị nếu đảng Dân chủ tẩy chay cuộc bầu cử sắp tới như đã từng làm trong cuộc bầu cử năm 2006.
Trên thực tế, ban lãnh đạo các cuộc biểu tình cũng phản đối kế hoạch tổng tuyển cử chóng vánh, mà yêu cầu thực hiện cải cách sâu rộng, đặc biệt là cải tổ lực lượng cảnh sát quốc gia trước khi tổ chức bầu cử. Phe đối lập cho rằng quá trình này có thể mất từ 8 - 15 tháng. Lãnh đạo lực lượng biểu tình Suthep cho rằng, động thái giải tán Quốc hội của bà Yingluck là một chiến lược chính trị để giành lại quyền lực trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Nếu xét về tương quan sức mạnh chính trị, đảng Dân chủ đối lập không thể vượt qua đảng cầm quyền trong một cuộc bầu cử dân chủ và công bằng. Theo kết quả các cuộc thăm dò mới đây, đảng Pheu Thai cầm quyền hiện vẫn là đảng mạnh nhất trên chính trường quốc gia Đông Nam Á này. Trong cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2011, đảng Pheu Thai của bà Yingluck đã giành chiến thắng áp đảo trước đảng Dân chủ đối lập nhờ sự ủng hộ của đông đảo cử tri ở các vùng nông thôn miền Bắc và Đông Bắc, nhưng vùng nghèo nhất Thái Lan. Đảng này cũng chỉ nắm 153 ghế trong Hạ viện gồm 500 ghế vừa bị giải tán. Kể từ năm 1992 đến nay, đảng Dân chủ chưa từng giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào do chủ yếu chỉ nhận được sự ủng hộ của cử tri ở khu vực miền Nam.
Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo lực lượng biểu tình đã kêu gọi lập ra một hệ thống mới thay thế hệ thống bầu cử dân chủ quốc gia hiện nay. Thủ lĩnh lực lượng biểu tình Suthep đã nêu rõ, mục đích của các cuộc biểu tình vừa qua không phải chỉ nhằm giải tán Quốc hội mà buộc Chính phủ của bà Yingluck từ chức để mở đường cho việc thành lập Hội đồng nhân dân không qua bầu cử. Yêu sách này vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nhà lãnh đạo dân sự và các học giả cho rằng đây là kế hoạch không tưởng và phi dân chủ. Chính phủ Thái Lan cũng bác bỏ yêu sách trên do điều đó trái với Hiến pháp nước này, song bà Yingluck tuyên bố sẵn sàng trưng cầu dân ý nhằm xem xét kế hoạch của phe đối lập.
Kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình nhằm lật đổ bà Yingluck và giảm ảnh hưởng của cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Sinawatra trên chính trường Thái Lan hồi tháng 11 vừa qua, Chính phủ của bà Yingluck đã tỏ ra khá kiềm chế và mềm mỏng trong cách thức xử lý cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, việc phe đối lập tiếp tục biểu tình và đẩy căng thẳng chính trị lên đến cao trào có thể dẫn tới một kết cục thảm họa hơn là một cuộc đảo chính quân sự. Giới chuyên gia cảnh báo, những người biểu tình có thể làm mọi việc chỉ để kích động một cuộc can thiệp quân sự vào các công việc điều hành của Chính phủ, mà cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc đảo chính. Trong 80 năm qua, lực lượng quân đội hùng mạnh vốn tự nhận là lực lượng bảo vệ nền quân chủ ở Thái Lan, đã thực hiện 18 cuộc đảo chính tại xứ chùa vàng.
Kể từ đầu quá trình diễn ra các cuộc biểu tình, quân đội đã tạo điều kiện tối đa cho Thủ tướng Yingluck và lãnh đạo phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban tiến hành cuộc gặp vào ngày 1.12 vừa qua nhằm tìm ra biện pháp hòa giải. Cuộc gặp này đã không đạt kết quả, song Tổng tư lệnh Quân đội Thái Lan Prayut Chan-O-Cha vẫn khẳng định, quân đội sẽ đứng ngoài cuộc và để các bên giải quyết bằng các biện pháp chính trị hòa bình. Mặc dù vậy, Giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc Khoa Khoa học chính trị của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho rằng, nếu buộc phải lựa chọn, các tướng lĩnh quân sự sẽ không ngần ngại đứng về phía người dân. Với diễn biến hiện nay thì không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.