Mở lối đi riêng
Rời Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội) theo học đại học, Tạ Thị Tú Anh cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa cùng ấp ủ gây dựng sự nghiệp theo cách khác những công việc gắn với đường kim, mũi chỉ vốn đã quá quen thuộc ở làng thêu. Những năm làm hướng dẫn viên du lịch đưa Tú Anh đến nhiều nơi, có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, cô nhận ra giá trị, tiềm năng phát triển nghề thêu truyền thống nên quyết định trở về tiếp bước phát triển làng nghề. “Các cụ bảo sinh ra ở đâu uống nước ở đấy, từng công đoạn làm nghề đã ngấm vào người từ bé nên tôi bắt nhịp rất nhanh. Có điều, tâm thế của tôi khi làm nghề là muốn thả hồn trẻ vào từng sản phẩm…”, Tạ Thị Tú Anh chia sẻ.
Với Vũ Khánh Tùng, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng (Bát Tràng Museum), câu chuyện gắn bó với gốm cũng là hành trình “đi đường vòng”. Bố của Tùng là cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng, người có phong cách làm gốm dựa trên những kỹ thuật, nguyên liệu, màu men, họa tiết truyền thống, chồng những lớp men gốm để tạo ra độ sâu cho tác phẩm. Trong suốt những năm tháng quan sát cha làm nghề, Tùng chưa bao giờ nghĩ có duyên với gốm, tự tách mình ra khỏi công việc làm gốm bằng việc đi học, đi làm một ngành, lĩnh vực khác không liên quan. Khi nghệ nhân Vũ Thắng mất, Tùng thừa kế vai trò điều hành Bảo tàng từ cha, cùng gốm viết tiếp giấc mơ biến Bát Tràng Museum thành không gian văn hóa sáng tạo đa dạng.
“Tôi từng công tác ở Sài Gòn hơn chục năm, trước khi trở về cùng gia đình làm gốm và luôn nghĩ đó là công việc rất khó khăn, vất vả. Nhưng khi quay trở lại đảm nhận công việc duy trì Bảo tàng Nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng do bố tôi thành lập, tôi mới thấy dù sao thì cái duyên đó vẫn còn rất lớn, rất nặng với tôi. Từ một kẻ thích bay nhảy làm đủ việc khác nhau… trừ làm gốm, trở về Bát Tràng sau hàng chục năm, giờ đây tôi mang những điều mới mẻ cho bảo tàng nghệ thuật của bố, cho sức sống của nghề”, Vũ Khánh Tùng nói.
Hay trường hợp của Ngô Quý Đức, tuy không sinh ra và lớn lên ở làng nghề truyền thống nhưng từ nhỏ anh đã có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều sản phẩm thủ công ở nhà ông mình như tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, bàn ghế mây tre, hộp sơn mài… Lớn lên, Đức tiếc nuối những giá trị truyền thống ấy không còn xuất hiện thường xuyên trong gia đình Việt. Từ việc tiếp xúc với nghệ nhân, tham gia hoạt động trong câu lạc bộ của các làng nghề thủ công, anh bắt đầu công cuộc tìm lại sức sống cho làng nghề. Dự án Về làng được thành lập năm 2020, kết hợp với nghệ nhân, doanh nghiệp tạo tác mẫu mã phù hợp với xu thế tiêu dùng.
Kết nối truyền thống và hiện đại
Thực tế những năm qua, làng nghề truyền thống dần mất khách hàng do thay đổi thị hiếu tiêu dùng. Người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm hiện đại, tiện dụng và tính thẩm mỹ cao. Công nghệ sản xuất hiện đại cũng cho phép tạo ra các sản phẩm với chi phí thấp hơn và thời gian nhanh hơn. Cùng với đó, sự thay đổi trong phong cách sống gắn với lối sống hiện đại, bận rộn khiến nhiều người không còn thời gian và hứng thú với các sản phẩm thủ công vốn đòi hỏi sự chăm chút và bảo quản kỹ lưỡng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của làng nghề truyền thống, khiến phần lớn thế hệ trẻ không còn mặn mà nối nghiệp của cha ông.
Tuy nhiên, câu chuyện của những người trẻ như Tạ Thị Tú Anh, Vũ Khánh Tùng, Ngô Quý Đức… cho thấy giá trị truyền thống, hồn cốt của quốc gia, dân tộc vẫn có sức hút không nhỏ đối với thế hệ trẻ. Họ có thể là lớp nghệ nhân kế cận của làng nghề hoặc là những người trẻ yêu thích truyền thống, tìm về thông qua các dự án trải nghiệm hay các chương trình, dự án… thổi hồn vào sản phẩm của làng nghề bằng lối đi riêng. Họ tìm hiểu, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy theo cách riêng, không đơn thuần nhìn về quá khứ, mà mang theo giá trị truyền thống, tái hiện chúng dưới góc nhìn hiện đại và độc đáo. Nhờ tư duy sáng tạo, nhạy bén, họ nhanh chóng nắm bắt xu hướng sống xanh và bền vững của con người hiện đại, mở ra cơ hội cho sản phẩm làng nghề truyền thống đến gần nhu cầu thị trường.
Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng Vũ Khánh Tùng cho biết, là thế hệ truyền thừa những giá trị của cha ông, người trẻ luôn biết cách tận dụng chất liệu cổ truyền để tạo ra phiên bản vừa phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh mới, vừa mang bản sắc vùng, miền, bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống làng nghề. “Bản thân tôi luôn xác định phải bảo vệ, gìn giữ, trân trọng, chia sẻ và học hỏi từ chính di sản của gia đình. Tuy không được thừa hưởng đôi tay của cha nhưng tôi nghĩ mình được thừa hưởng con mắt duy mỹ của ông. Mặc dù ông không bao giờ khuyến khích tôi làm gốm, nhưng bằng cách nào đó ông đã đặt cho tôi sứ mệnh lưu giữ và phát huy những gì đẹp đẽ nhất mà ông để lại”.
Làm thế nào để làng nghề phát triển bền vững, chứ không dừng lại ở câu chuyện phong trào hay tồn tại trong những cộng đồng nhỏ lẻ và biến nó trở thành nguồn cảm hứng cho cả thế hệ? Theo Tạ Thị Tú Anh, điều này nên đến từ hai phía. Một mặt là ý thức trách nhiệm của người trẻ với việc trân trọng, bảo vệ, phát huy giá trị di sản quê hương; mặt khác nghệ nhân làng nghề cũng cần có sự cởi mở, đón nhận tư duy mới, lối đi mới, thậm chí có phần táo bạo của thế hệ trẻ. Kết nối truyền thống và hiện đại là cách mở ra hướng đi mới cho làng nghề truyền thống phát triển bền vững.