Lệnh chấm dứt chương trình thị thực vàng của Tây Ban Nha được đưa ra trong bối cảnh quốc gia này cố gắng tăng số lượng nhà ở giá rẻ dành cho người dân địa phương.
Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, nội các sẽ thực hiện những bước đầu tiên trong tuần này để chấm dứt chương trình thị thực vàng. Chương trình này được giới thiệu vào năm 2013, cho phép các công dân ngoài EU chi ít nhất 500.000 Euro (543.000 USD) mua bất động sản tại Tây Ban Nha mà không cần thế chấp. Những người thuộc nhóm này sẽ nhận được giấy phép đặc biệt cho phép họ sống và làm việc ở Tây Ban Nha trong 3 năm.
Bộ trưởng Nhà ở Isabel Rodríguez cho biết, kể từ khi chương trình này được áp dụng, nước này đã cấp 14.576 “visa vàng”, mang lại lợi ích chủ yếu cho công dân nước ngoài đến từ Trung Quốc, Nga , Anh, Mỹ, Ukraine, Iran, Venezuela và Mexico. Theo Bộ trưởng, số lượng đơn đăng ký đã tăng nhanh trong hai năm qua, hiện nay cứ 100 thị thực như vậy thì có 94 thị thực liên quan đến đầu tư bất động sản tại các thành phố lớn ở Tây Ban Nha. Điều này khiến cho những thành phố đó đang phải đối mặt với thị trường nhà ở căng thẳng cao độ, và gần như không thể tìm được nhà ở đàng hoàng cho những người đã sống, làm việc và đóng thuế ở đó.
Với sự gia tăng ngày càng trở thành mối lo, khiến Chính phủ phải chấm dứt hoàn toàn chương trình thị thực này. Thủ tướng Sanchez cho biết, việc chấm dứt sáng kiến này sẽ giúp biến việc tiếp cận nhà ở giá rẻ trở thành "quyền thay vì hoạt động đầu cơ". Những người ủng hộ việc loại bỏ sáng kiến thị thực vàng luôn nhấn mạnh rằng nó sẽ khiến giá nhà đất tăng vọt.
Song, nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra rằng vấn đề nhà ở của Tây Ban Nha không phải do chương trình thị thực vàng gây ra mà là bởi thiếu nguồn cung (nhà ở) và nhu cầu tăng đột biến. Thị trường nhà ở tại các khu vực này đang trong tình trạng căng thẳng và người dân gần như không thể tìm được nhà ở có mức giá phải chăng.
Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia EU mới nhất dỡ bỏ thị thực vàng sau quyết định tương tự của Bồ Đào Nha và Ireland vào năm 2023. Tại mỗi quốc gia trong số ba quốc gia này, chương trình thị thực vàng được đưa ra để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy sự phục hồi sau các cuộc khủng hoảng tài chính do sự sụp đổ trong thị trường bất động sản tương ứng của nước này.
Từ lâu, Uỷ ban châu Âu đã kêu gọi chấm dứt các chương trình như vậy với lý do rủi ro về an ninh cũng như lo ngại về khả năng tham nhũng, rửa tiền và trốn thuế.