Sớm cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội
- Theo dõi Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội vừa diễn ra, với vai trò là Chủ tịch HoREA, ông đón nhận kết quả của hội nghị như thế nào?
- Việc Quốc hội phối hợp Chính phủ tổ chức hội nghị lần này là hết sức quan trọng và cần thiết nhằm cụ thể hóa yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đặc biệt, hội nghị được tổ chức chỉ một thời gian ngắn sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2024 - luật có vai trò đặc biệt quan trọng, chỉ sau Hiến pháp, càng thể hiện quyết tâm, nỗ lực của cả Quốc hội và Chính phủ trong việc khẩn trương triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất. Bởi lẽ, đất đai là gốc của phát triển, nếu chúng ta càng thực hiện tốt thì sẽ càng tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế.
Chúng tôi rất tâm đắc và đánh giá rất cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu bật được những điểm mới, nội dung trọng tâm, chủ yếu trong việc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm. Với việc thống kê cụ thể hơn 400 nội dung chi tiết gắn với từng tổ chức, đơn vị, cơ quan và thời hạn để quy định chi tiết các luật và nghị quyết - một khối lượng công việc rất lớn đã càng khẳng định Quốc hội luôn sát sao với tinh thần hết lòng vì nhân dân, vì doanh nghiệp.
Với các doanh nghiệp bất động sản, điều chúng tôi quan tâm và cảm thấy yên tâm là tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo rất rõ rằng phải khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy định chi tiết của 9 luật và 11 nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, bảo đảm tiến độ, chất lượng, khả thi, nhất quán, đồng bộ; đặc biệt là văn bản quy định chi tiết các luật có quan hệ mật thiết với nhau như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…
Theo dự kiến, từ 11 - 15.3 tới sẽ diễn ra hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 của ngành tư pháp. Vì thế, chúng tôi cũng mong tại hội nghị lần này sẽ đề ra được những giải pháp để cụ thể hóa sớm nhất yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội.
Cần phát huy hơn nữa vai trò của Bộ Tư pháp
- Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024; theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ ban hành 16 văn bản quy định chi tiết. Ông có đề xuất gì cho việc triển khai luật quan trọng này?
- Phải khẳng định rằng, hiện nay hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện nên việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 và các luật có liên quan sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong thực tiễn để đất đai trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giúp thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 rất đầy đủ, toàn diện và đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành. Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất cần tập trung nghiên cứu để xây dựng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn liên quan, trong đó đặc biệt quan tâm tới 3 văn bản gồm Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật, Nghị định về giá đất và Nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
- Vì sao cần tập trung cho 3 nghị định này, thưa ông?
- Bởi lẽ Luật Đất đai 2024 rất quan trọng, với rất nhiều điểm mới (hơn 100 nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định) nên đầu tiên cần phải có nghị định hướng dẫn thi hành.
Đối với vấn đề giá đất - một trong các vướng mắc pháp lý phổ biến của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thời gian qua đã khiến rất nhiều chủ đầu tư dự án không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, khách hàng mua nhà không được cấp sổ hồng (chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh đã có khoảng 100 dự án với hơn 60.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng do vướng công tác định giá đất) và gây ra rủi ro pháp lý cho cán bộ thực thi.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất, trên cơ sở tiếp thu các quy định mới về “tài chính về đất đai, giá đất” của Luật Đất đai 2024, đã bổ sung nhiều quy định mới có tính khả thi và sát với thực tiễn. Hiệp hội rất hoan nghênh nghị định này và tin chắc sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong công tác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại cho các địa phương trong năm 2024. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để xây dựng nghị định quy định về giá đất để thực thi Luật Đất đai 2024 kể từ 1.1.2025.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đây là vấn đề rất được quan tâm. Quốc hội đã cho phép Chính phủ xây dựng Nghị quyết thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, hoàn thành trước 10.3.2024. Khi được thông qua sẽ tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương đối với tất cả các dự án đầu tư công, bao gồm cả dự án nhóm B, nhóm C để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Song, cũng cần nhấn mạnh rằng, đi đôi với việc triển khai Luật Đất đai 2024 thì phải đồng thời triển khai đồng bộ các luật có liên quan như Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và cũng cần phải đặc biệt quan tâm nghiên cứu đóng góp ý kiến để xây dựng hoàn thiện các dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
- Một trong những yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội đặt ra tại hội nghị là phải “tuyệt đối không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện”. Làm thế nào để bảo đảm yêu cầu này, thưa ông?
- Một trong những giải pháp quan trọng là phải phát huy hơn nữa vai trò của Bộ Tư pháp. Đây là cơ quan có chuyên môn sâu về pháp luật, có chức năng thẩm định các đề án luật, văn bản dưới luật, nhưng đôi khi ý kiến của Bộ Tư pháp lại chưa được chấp nhận vì Bộ cũng chỉ có 1 phiếu biểu quyết. Vì thế, cần xây dựng cơ chế để cấp có thẩm quyền lắng nghe nhiều hơn ý kiến đề xuất, phản biện của Bộ Tư pháp.
Về phía Bộ Tư pháp cũng cần phát huy vai trò kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để “tuýt còi” văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy phạm pháp luật ban hành không đúng thẩm quyền, không phù hợp với quy định.
- Xin cảm ơn ông!