Tại hội nghị tập huấn, đại diện Sở Tư pháp nhấn mạnh, công tác đánh giá, công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai bài bản, thực chất sẽ góp phần quan trọng để chính quyền cấp xã thấy được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
Qua đó, đề ra giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức và chính quyền cấp xã, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; đặc biệt, trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, gắn với xây dựng, hoàn thiện thể chế với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới góp phần làm cho hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tác động tích cực đến việc cải thiện và cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; xây dựng nếp sống văn minh tại cộng đồng dân cư, tạo khí thế mới, khích lệ người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững và toàn diện. Do đó, việc tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu triển khai nhiệm vụ này là hết sức quan trọng.
Tại hội nghị, các đại biểu được báo cáo viên của Sở Tư pháp triển khai những nội dung về thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025… Ngoài ra, các đại biểu còn trao đổi, giải đáp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.