Nhiều kết quả tích cực
Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhưng tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước ổn định, ngoại giao tiếp tục có bước tiến triển tạo tiền đề và cơ sở rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, nhiều ngành, lĩnh vực đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, lạm phát được kiểm soát sau khi tăng lương. Đồng thời, thu ngân sách nhiều khoản quan trọng vượt so với cùng kỳ, cả năm ước sẽ vượt trên 10%.
Môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, chỉ số phát triển con người tăng 8 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số an ninh an toàn đứng thứ 17/194 quốc gia; đóng góp của Việt Nam về nhiều mặt đối với các nước qua công tác nhân đạo, gìn giữ hòa bình làm cho vị thế Việt Nam ngày càng tăng.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình), thời gian tới, các nhà kinh tế đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục yếu đi khi cạnh tranh do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nguy cơ chiến tranh, xung đột giữa các nước trong khu vực, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Bên cạnh đó, nước ta đang là nền kinh tế mới nổi, sức chống chịu còn hạn chế, năng lực sản xuất, kinh doanh, thương mại để cạnh tranh với các nước lớn đang khó khăn, đặc biệt là thương mại điện tử ở trong nước và nước ngoài đang cạnh tranh gay gắt, trong khi thương mại điện tử ngày càng tăng về quy mô, các mặt hàng…
Cũng theo đại biểu Trần Quang Minh, thời gian qua Việt Nam đã có bước tiến đáng kể, nhất là các lĩnh vực như: ngân hàng, y tế, giáo dục, thương mại… Tuy nhiên năm 2023, Việt Nam mới vượt được Philippines và vẫn còn đứng sau Malaysia, Thái Lan, không kể Singapore đã đứng ở vị trí cách xa (thứ hai thế giới sau Mỹ và đứng thứ 5 trong các nước khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 59/193 quốc gia, vùng lãnh thổ).
"Hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thực tế cuộc sống là một xu thế lớn và có thể nói là không thể đảo ngược. Vì vậy, Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi nhất cho công tác đổi mới sáng tạo, nhất là lĩnh vực công nghệ nhằm theo kịp các nước tiên tiến trong lĩnh vực này để nâng cao năng lực về nhiều mặt của quốc gia", đại biểu Trần Văn Minh đề nghị.
Sớm có giải pháp để "dòng tiền" vào hoạt động sản xuất
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.
Tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả.
Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song kết quả chưa như kỳ vọng.
Theo ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) vừa qua tình trạng giá nhà cao bất thường và đã vượt qua đa phần thu nhập người dân, người lao động. Do đó, Chính phủ cần có biện pháp ổn định tránh tình trạng thông đồng, đầu cơ nâng giá nhà, giá bất động sản khiến thị trường mất ổn định, phát triển không lành mạnh.
Thay vì dòng tiền đổ vào bất động sản, theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, nên có biện pháp, chính sách để dòng tiền đổ được vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ đạt hiệu quả cao và bền vững.
Đối với chính sách miễn giảm thuế hiện nay, thay vì thời gian 6 tháng một lần Nhà nước nên nghiên cứu kéo dài hết năm 2025 để các doanh nghiệp chủ động tận dụng cơ hội chính sách, kế hoạch.