Có chế tài mạnh hơn với các hành vi vi phạm về đấu thầu
Theo các đại biểu, năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, không thuận lợi. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra.
Những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là minh chứng rõ nét nhất khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
"Hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp đến những vùng bão lũ chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn gây xúc động cho toàn thể Nhân dân, củng cố thêm niềm tin và tình cảm của Nhân dân với Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, ĐBQH Lê Văn Dũng (Quảng Nam) nhấn mạnh.
Ấn tượng với kết quả cả ba khu vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ đều có tăng trưởng cao hơn so với năm 2023, góp phần để kinh tế ổn định và tăng trưởng, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng lưu ý, Chính phủ ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% dự toán giao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Bão số 3 đã làm ảnh hưởng đến số thu của 26 địa phương và thực hiện một số chính sách giảm số thu ngân sách. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá tính khả thi của số thu ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm 2024.
Các đại biểu Quốc hội quan tâm phân tích nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công đến nay chưa đạt 50% kế hoạch; đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có giải pháp hữu hiệu hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch trong những tháng cuối năm.
Từ thực tế địa phương, đại biểu Lê Văn Dũng cho rằng, tình trạng này không phải do địa phương không làm, không quyết liệt mà do một số nguyên nhân khách quan.
Thực tế, giải ngân đầu tư công của tỉnh Quảng Nam chậm có nguyên nhân do địa phương đang thiếu vật liệu xây dựng, thậm chí nhiều địa phương cũng gặp tình trạng này. Điều này khiến nhiều nhà thầu “đứng bánh”, muốn triển khai thi công, muốn làm ra khối lượng công việc để được thanh toán, cũng không thể làm được vì thiếu vật liệu xây dựng. Nếu triển khai mua vật liệu xây dựng từ các nơi khác về thi công thì nhà thầu sẽ đứng trước nguy cơ đội kinh phí, gây thua lỗ trong kinh doanh.
Nêu thực trạng có một số đơn vị đầu cơ, lợi dụng việc đấu thầu để ngăn chặn việc khai thác mỏ đất, từ đó nâng giá, khống chế, thổi giá vật liệu xây dựng, đại biểu cho biết, tại Quảng Nam có hiện tượng đấu thầu mỏ cát có giá bỏ thầu ban đầu là 1,8 tỷ đồng, nhưng qua nhiều vòng đấu từ 8 giờ sáng hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau thì giá đã lên 375 tỷ đồng. Giá cát trên thị trường do liên sở công bố khoảng 150 nghìn đồng/khối cát, nhưng qua phiên đấu giá được đẩy lên 2,3 triệu đồng/khối cát, không một đơn vị nào có thể mua từ những mỏ vật liệu xây dựng này.
“Dường như những nhà thầu này tham gia đấu thầu không phải do mong muốn khai thác mà chủ yếu để ngăn chặn không ai vào khai thác vật liệu xây dựng. Tình trạng này xảy ra ở không ít địa phương, đấu giá vật liệu xây dựng đang có vấn đề đã khiến các đơn vị không thể thi công, khó giải ngân vốn đúng kế hoạch được”, đại biểu Lê Văn Dũng nêu rõ.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, giải ngân vốn đầu tư công chậm có nguyên nhân từ thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia chậm, thậm chí có một số tiểu dự án ở từng địa phương rất khó triển khai.
Đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị, sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu để tăng số tiền đặt trước lên 40% giá khởi điểm của tài sản đấu giá và nâng tiền đặt trước theo tiến trình bỏ giá của phiên đấu thầu. Bởi, nếu đơn vị tham gia đấu thầu không trúng thầu sẽ được Nhà nước trả lại tiền đặt trước nên việc nâng số tiền này không ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cá nhân.
Đồng thời, theo đại biểu, cần có chế tài mạnh hơn với các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu. Chính phủ nghiên cứu có cơ chế đặc biệt cho địa phương khai thác khoáng sản để làm vật liệu xây dựng, nhất là tại các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa; tiếp tục kéo dài giải ngân nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa thực hiện được trong các năm trước sang năm 2025 …
Làm rõ giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Để khắc phục cơn bão số 3 (Yagi), cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương, ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ hơn các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể triển khai trong thời gian tới để khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình đời sống nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Trong đó, đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ xem xét bổ sung hỗ trợ một phần kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ còn thiếu tỉnh Lào Cai chưa cân đối được (4.000 tỷ đồng) từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương, quỹ cứu trợ, quỹ vì người nghèo và các nguồn vốn khác.
Tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên hỗ trợ theo các thứ tự như: bố trí kinh phí hỗ trợ nhân dân làm nhà ở, khôi phục sản xuất nông nghiệp; bố trí cho ngành giáo dục và đào tạo để học sinh có thể đi học ổn định; hỗ trợ ổn định dân cư; y tế; khắc phục cơ sở hạ tầng (cấp nước sinh hoạt, trường học, y tế, giao thông, thuỷ lợi...).
Đại biểu Lê Thu Hà cũng đề nghị, Chính phủ xem xét cho phép tỉnh Lào Cai được sử dụng nguồn cải cách tiền lương từ 70% tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2023 so với dự toán giao năm 2023 (số tiền 714 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 3 gây ra.
Đề nghị Chính phủ xem xét giao một Bộ chủ quản tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tỉnh Lào Cai và một số địa phương khác nghiên cứu, khảo sát để thực hiện Đề án chỉnh trị sông Hồng đa mục tiêu nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển du lịch…
Sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định, quy trình chia sẻ, vận hành thủy điện trên các sông liên tỉnh để các địa phương chủ động trong việc điều tiết nước, cắt lũ trên sông; tránh những trường hợp vừa xảy ra như Hồ Thác Bà vừa qua.
Bão số 3 xảy ra ở những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo lớn nhất nước nên sẽ ảnh hưởng đến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, ĐBQH Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) đề nghị, Chính phủ chú trọng đến nhóm xử lý những vấn đề gốc để giảm thiểu thiệt hại tính mạng, tiền bạc cho người dân khi thiên tai, bão lũ xảy ra.
Nhấn mạnh năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2025, có ý nghĩa quan trọng, ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề nghị, Chính phủ quan tâm đúng mức đến phát triển tài chính xanh; chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa những doanh nghiệp và ngân hàng; có quy định cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh như làm rõ tiêu chí xanh, thước đo môi trường, hệ sinh thái…