Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) khẳng định, những kết quả đạt được rất ấn tượng. Cụ thể, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88%. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, xuất siêu gần 20,8 tỷ USD… Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, trong đó có thể kể đến việc hoàn thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021km…
Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng. Dịch vụ duy trì đà phục hồi tốt; thương mại điện tử, du lịch phát triển mạnh…
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn khi thống kê cho thấy, trong 9 tháng, có đến 163.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nợ xấu có xu hướng tăng; giải ngân vốn đầu tư công chậm; lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai… còn lớn. Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp…
Bởi vậy, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quản lý và kiểm soát tốt kinh doanh thương mại điện tử. Quản lý, kiểm soát và triệt phá hiệu quả các vụ án tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xã hội. Quan tâm chỉ đạo kiểm tra công tác đào tạo, cấp bằng tiến sỹ, phong chức danh khoa học để bảo đảm chất lượng, thực chất, không gây ảnh hưởng đến tiêu cực đến xã hội…
Tham gia thảo luận, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (Hà Nam) đề nghị có giải pháp để tăng cường quản lý thị trường vàng, bất động sản. Đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản thi hành các luật Đất đai, Luật Nhà ở... Tăng cường các biện pháp cảnh báo về lừa đảo qua mạng xã hội; phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng xâm hại trẻ em; bạo lực học đường, thuốc lá điện tử. Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn nữa đến việc phòng chống tham nhũng…
Ở góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) phân tích, dù số lượng doanh nghiệp gia tăng đều những năm qua, từ hơn 654 nghìn doanh nghiệp năm 2017 đến năm 2023 đạt hơn 921 nghìn và năm 2024 chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nếu đánh giá về mục tiêu e rằng khó có thể đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21.4.2023 của Chính phủ.
Mặt khác, quy mô doanh nghiệp cũng rất nhỏ, hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, trong khi số liệu thống kê cũng cho thấy số doanh nghiệp kinh doanh lỗ nằm nhiều ở nhóm này. Bên cạnh đó, cũng cần phải quan tâm hơn đến chất lượng doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần về số lượng. Qua theo dõi, tổng số doanh nghiệp thì như vậy, nhưng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chỉ bình quân ở mức chưa đến 85% so với tổng số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng không cao, ví dụ năm 2022 có chưa đến 45% trong tổng số hơn 735 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có lãi, còn lại 46,9% lỗ và hòa vốn chỉ 8,5%.
Khối lượng công việc đã hoàn thành rất lớn
Về tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh), dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan liên quan đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Trong đó, nhiều dự án luật, nghị quyết với các chính sách lớn, phức tạp, quan trọng đã được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, từ đó triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 cũng còn một số hạn chế nhất định như trong báo cáo của Chính phủ đã nêu. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá sâu thêm những nguyên nhân hạn chế chủ quan, khách quan để có biện pháp khắc phục tốt hơn trong thời gian tới…
Bảo đảm đồng bộ, nhất quán trong quy hoạch đất đai
Đối với chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các ý kiến đều tán thành về sự cần thiết phải điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9.11.2023 của Quốc hội đó là: “Khẩn trương rà soát điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 để trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn”, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị triển khai một số dự án quan trọng quốc gia.
Tuy vậy, theo Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh), cùng với việc điều chỉnh, cần sửa đổi, bổ sung luật quy hoạch và các quy định liên quan để bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán trong quy hoạch đất đai. Nâng cao chất lượng quy hoạch thông qua việc lập kế hoạch cụ thể, có tầm nhìn dài hạn, đồng thời tăng cường giám sát và đánh giá hiệu quả. Tăng cường công khai và minh bạch trong quy trình quy hoạch để bảo đảm tính khách quan và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, theo dõi quy hoạch đất, cải thiện tính linh hoạt và phản ứng nhanh trong quản lý…
Các ý kiến của đại biểu cũng tán thành với việc việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 nhằm hiện thực hóa các chủ trương nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính-ngân hàng. Đồng thời, làm tốt vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung tại VCB trên cơ sở bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục đích đầu tư bổ sung vốn nhà nước.