Kết quả đạt được rất tích cực và có cơ sở
Các ĐBQH cơ bản thống nhất và đồng thuận cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 trình Quốc hội. Đa số ý kiến nhận định, qua số liệu cho thấy tình hình kinh tế - xã hội có sự phục hồi rõ nét, những kết quả đạt được là rất tích cực, có cơ sở và phù hợp với đánh giá, nhận định của các tổ chức quốc tế uy tín.
Theo báo cáo của Chính phủ, cả năm 2024 ước có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó đạt được toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Một điểm sáng rất ấn tượng là tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước đạt đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 4.674 USD so với mục tiêu 4.700 - 4.730 USD do biến động tỉ giá.
Bày tỏ ấn tượng với công tác phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nêu rõ, điều này thể hiện sự quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Cơ bản thống nhất với những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm đã được báo cáo của Chính phủ nêu, đại biểu Nguyễn Văn Huy chỉ rõ, các thủ tục hành chính mặc dù đã được cải cách nhưng vẫn còn rườm rà, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu cũng đề nghị cần có biện pháp đủ mạnh để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện; lừa đảo qua mạng...
Quyết liệt hơn nữa trong bảo đảm trình tự, thủ tục ban hành văn bản pháp luật
Quan tâm đến lĩnh vực đầu tư công, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế đòi hỏi phải huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó đầu tư công được xem là một nguồn lực quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn tăng tốc để về đích hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025 đã đề ra.
Song, báo cáo của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 51,38%).
Đại biểu Dương Khắc Mai cũng nêu rõ, hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công của nước ta thời gian qua mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số bất cập như: hệ số ICOR của khu vực nhà nước cao, việc chậm giải ngân vốn, còn tình trạng lãng phí nguồn vốn nhà nước...
“Cần đánh giá kỹ, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương để vấn đề này được khắc phục một cách căn cơ trong thời gian tới”, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần quyết liệt, cương quyết hơn nữa trong việc bảo đảm trình tự thủ tục ban hành văn bản pháp luật, để hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Một số ý kiến cho rằng, già hóa dân số đang là xu thế tất yếu đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu với tốc độ ngày càng nhanh, và tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, hiện nước ta còn nan giải hơn khi có thể đối mặt với tình trạng “đất nước chưa giàu mà dân số thì đã già”.
Vì vậy, đây cũng là vấn đề cần được đặc biệt lưu tâm khi hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội cho người cao tuổi còn chưa hoàn thiện, trong khi hạ tầng về chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi ở Việt Nam như các các cơ sở dưỡng lão, mạng lưới các cơ sở y tế, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho công tác khám, chữa bệnh và điều trị cho người cao tuổi còn đang rất hạn chế.