PV:Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc đăng ký sáng chế là việc làm cần thiết, là thước đo sức sáng tạo của một đất nước, nhưng việc này ở nước ta còn khá “khiêm tốn” - cả đăng ký sáng chế trong nước cũng như ở nước ngoài, thưa Phó chủ nhiệm?
PCN Lê Bộ Lĩnh: Đúng như vậy. Việc đăng ký cấp bằng sáng chế là nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người sáng chế và số lượng đơn đăng ký sáng chế thể hiện năng lực sáng tạo, mức độ quan tâm đối với tài sản trí tuệ, thể hiện hoạt động đổi mới sáng tạo trong một quốc gia. Số lượng đơn đăng ký và các sáng chế được cấp bằng bảo hộ phản ánh trình độ khoa học công nghệ, đặc biệt là năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ của mỗi quốc gia và là yếu tố quyết định chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ở nước ta, hoạt động này mặc dù đã tăng so với vài thập kỷ trước nhưng so với các nước phát triển, thậm trí với phần lớn các nước trong khu vực thì còn khá trầm lắng. Mỗi năm Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận được trên 3.000 đơn, tuy nhiên điều đáng nói là chỉ có trên dưới 10% số đơn đăng ký là người Việt Nam, còn lại gần 90% là người nước ngoài.
PV:Điều này có phải do khả năng sáng tạo của người Việt Nam còn thấp hay còn lý do nào khác, thưa Phó chủ nhiệm?
PCN Lê Bộ Lĩnh: Khả năng sáng tạo của người Việt Nam được đánh giá là không thấp, nhưng có lẽ là ở dạng tiềm năng. Sự sáng tạo để tạo ra các sáng chế còn phụ thuộc vào nền giáo dục và môi trường xã hội khuyến khích sáng tạo. Nếu nền giáo dục nặng về lý thuyết, máy móc, thụ động, môi trường xã hội lại dung túng chủ nghĩa bình quân thì sẽ hạn chế năng lực sáng tạo rất nhiều.
PV:Một trong những chỉ số quan trọng và khách quan để đánh giá thành tựu đất nước là số bằng sáng chế. Với nước ta, điều này đã, đang và sẽ được phản ánh như thế nào, thưa Phó chủ nhiệm?
PCN Lê Bộ Lĩnh: Bằng sáng chế đúng là một trong những chỉ số quan trọng và khách quan để đánh giá thành tựu đất nước. Tuy hiện nay hoạt động đăng ký cấp bằng sáng chế đã tăng so với vài thập kỷ trước, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn khá khiêm tốn cả đăng ký sáng chế trong nước cũng như ở nước ngoài để đáp ứng cho sự phát triển của đất nước. Ở đây theo tôi, nguyên nhân thì có rất nhiều. Một trong số đó là các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung chưa có nhu cầu cao về các sáng chế do một thời gian dài chúng ta phát triển theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên. Bên cạnh đó, thiếu sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học với khu vực doanh nghiệp; hoạt động khoa học còn nặng về lý thuyết, trong khi ở khu vực doanh nghiệp, đầu tư và đội ngũ làm nghiên cứu và phát triển còn quá yếu. Ngoài ra, nhận thức về sự cần thiết phải đăng ký sáng chế, quy trình thủ tục, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho việc đăng ký sáng chế cũng là một nguyên nhân làm cho số đơn đăng ký thấp mà tỷ lệ đơn được chấp nhận cấp bằng còn thấp hơn nữa, thường chỉ khoảng 10%.
PV:Theo Phó chủ nhiệm, để Việt Nam ngày càng định hình rõ hơn, đậm hơn trên bản đồ sáng chế của thế giới, cần có các điều kiện gì?
PCN Lê Bộ Lĩnh: Theo tôi, để nước ta định hình rõ hơn, đậm hơn trên bản đồ sáng chế của thế giới, các cơ quan nhà nước cần phải làm nhiều việc để thúc đẩy hoạt động sáng chế, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Cụ thể, một là, cần tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn thực hiện pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Hai là, phát triển các tổ chức và đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động tư vấn, thẩm định đăng ký sáng chế. Ba là, có chính sách khuyến khích thương mại hóa, chuyển giao sáng chế, công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ.
Chỉ khi nào các doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung có nhu cầu cao đối với phát minh, sáng chế mới tạo động lực cho hoạt động phát minh, sáng chế. Tôi tin khi khu vực kinh tế tư nhân và cổ phần phát triển mạnh mẽ sẽ thúc đẩy hoạt động sáng chế và chúng ta cũng sẽ có nhiều sáng chế được thương mại hóa. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường đầu tư và đặc biệt là có chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tăng mối liên kết giữa hoạt động nghiên cứu ở các viện, trường đại học với doanh nghiệp, thúc đẩy hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp, đảo ngược tỷ lệ cán bộ khoa học công nghệ trong khu vực doanh nghiệp trong tổng số cán bộ khoa học công nghệ nói chung. Cùng với đó, cũng cần có hỗ trợ về tài chính, tư vấn cho các hoạt động nghiên cứu, sáng chế của những người làm việc ở cơ sở mà chúng ta vẫn gọi là các nhà khoa học chân đất. Đặc biệt là phải tạo lập được môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, tự do nghiên cứu sáng chế trong bất kỳ lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm.
PV: Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!