Vẫn có bộ, cơ quan Trung ương giải ngân 0%
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 trong 8 tháng qua của cả nước là 274.501 tỷ đồng, đạt 37,01% kế hoạch (741.609 tỷ đồng), đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng giao (677.944,6 tỷ đồng), thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng giao).
Trong đó, có 13/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt như: Đài Truyền hình Việt Nam (100%), Đài Tiếng nói Việt Nam (60,72%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (58,39%), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (52,7%), Bộ Giao thông Vận tải (49,67%), Long An (79,35%), Hà Tĩnh (64,98%), Thanh Hóa (64,05%), Hòa Bình (60,37%). Vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng có tỷ lệ giải ngân đạt cao, đạt 79,32% kế hoạch. Đặc biệt, vốn bộ, cơ quan Trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 8 tháng đạt 99,77%.
Tuy nhiên, vẫn còn tới 31 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của nước. Đặc biệt, vẫn còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân bằng 0%. Bên cạnh đó, hiện có 19 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 13.771,7 tỷ đồng, chiếm 2,03% kế hoạch Thủ tướng giao.
Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là những khó khăn, vướng mắc đến nay chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA; vướng mắc do nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nên không thể giải ngân...
Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ. Để đạt mục tiêu này, cần tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công.
Là cơ quan kiểm soát chi ngân sách, thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm hỗ trợ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công như: phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến; vận hành và khai thác hiệu quả các chương trình DTKB-GD (Chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư đáp ứng yêu cầu về quản lý, kiểm soát chứng từ chi đầu tư qua KBNN) và chương trình DTKB-LAN (Chương trình tổng hợp báo cáo đầu tư công kho bạc), bảo đảm các hồ sơ kiểm soát chi đầu tư được kiểm duyệt chặt chẽ, đúng quy định và tổng hợp, báo cáo kịp thời, chính xác về số liệu giải ngân, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của cấp có thẩm quyền…
Lãnh đạo KBNN tỉnh Nam Định cho biết đã yêu cầu từng cán bộ làm công tác kiểm soát chi tăng cường kiểm soát, thanh toán các khoản chi đầu tư; đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; chấp hành đúng quy định về thời gian tiếp nhận và xử lý hồ sơ; tăng cường phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung kiểm soát, thanh toán kịp thời đối với các dự án quy mô lớn, dự án trọng điểm của tỉnh.
Phương thức "thanh toán trước, kiểm tra sau" cũng được áp dụng triệt để nhằm đưa nguồn vốn kịp thời đến với các dự án, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm. Đặc biệt, KBNN Nam Định đã phát động phong trào thi đua lấy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn.
Nỗ lực của KBNN Nam Định đã góp phần đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh 8 tháng qua ước đạt 75,69% kế hoạch Thủ tướng giao (hơn 4.649 tỷ đồng). Thời gian tới, KBNN Nam Định tiếp tục dốc toàn lực để giảm áp lực giải ngân vào những tháng cuối năm; đồng thời, nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền.
Xác định giải ngân nhanh vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung, lãnh đạo KBNN Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để công tác kiểm soát chi ngày càng thuận lợi, thanh toán kịp thời cho các nhà thầu.
Cụ thể, KBNN Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án kịp thời giải quyết những vướng mắc, sớm hoàn thiện hồ sơ để thanh toán; yêu cầu từng đơn vị KBNN trực thuộc nắm chắc tình hình giải ngân của từng dự án, nhất là những dự án trọng điểm, có quy mô lớn, dự án chưa giải ngân, có tỷ lệ giải ngân thấp; đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến…