Thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến lĩnh vực dân tộc

Tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực

- Thứ Sáu, 21/08/2020, 08:24 - Chia sẻ
Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực dân tộc do Hội đồng Dân tộc vừa tổ chức, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về vấn đề này phải bám sát quan điểm chỉ đạo của Hiến pháp năm 2013, đó là Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Phải là đánh giá chuẩn nhất, sâu nhất

Từ kinh nghiệm thẩm định một số dự án luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực dân tộc, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp nêu rõ, đây là lĩnh vực khó và phức tạp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc rất rộng, được lồng ghép trong nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý khác nhau, liên quan đến nhiều luật, văn bản dưới luật trong các lĩnh vực khác nhau. Nhiều luật đã có những quy định mang tính chất đặc thù với đối tượng là người dân tộc thiểu số như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Giáo dục, Luật Thanh niên… Các chính sách cụ thể trong từng lĩnh vực rất đa dạng, phức tạp, do đó, theo đại diện Bộ Tư pháp, cần tiến hành nghiên cứu, rà soát kỹ để tránh sự trùng lặp, chồng chéo về mặt chính sách và quy định pháp luật.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng nêu thực tế, các dự án luật thường mới chỉ đưa ra quy định mang tính nguyên tắc về chính sách đối với người dân tộc thiểu số. Việc xác định vấn đề dân tộc trong một dự án luật, dự án pháp lệnh đôi khi chưa được các cơ quan, kể cả cơ quan chủ trì soạn thảo quan tâm đúng mức. Trong một số trường hợp, mặc dù dự án luật có nội dung liên quan đến vấn đề dân tộc nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện về vấn đề này. Điều này đòi hỏi phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng các dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc.

Từ tính chất, tầm quan trọng của vấn đề dân tộc, Điều 68a, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc hội thông qua đã quy định trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc trong thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án luật, dự án pháp lệnh. Đây là trách nhiệm rất lớn đối với Hội đồng Dân tộc. Như quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc phải là những đánh giá chuẩn nhất, sâu nhất với luận cứ khoa học và thực tiễn về các vấn đề liên quan lĩnh vực dân tộc được đặt ra trong dự án luật, dự án pháp lệnh thì mới tạo được sự đồng thuận cao.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại Hội thảo  

Ảnh: Hoàng Ngọc 

Nội hàm của “ưu tiên” là gì?

Bàn về chính sách dân tộc, các đại biểu tham dự hội thảo cũng chỉ ra, lâu nay, chúng ta luôn dùng từ “ưu tiên”, “hỗ trợ”, tuy nhiên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Hòa cho biết, chúng ta không rõ ưu tiên cái gì, rất chung chung. Nội hàm "ưu tiên" không có, dẫn đến áp dụng thực hiện chính sách dân tộc trong thực tiễn chưa như mong muốn là thúc đẩy phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tương tự, ở góc độ ngân sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm thẳng thắn, chính sách dân tộc chưa gắn liền với nguồn lực thực thi. Chúng ta cứ quy định Nhà nước có nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc, nhưng chưa làm rõ đó là ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương, vốn xã hội hóa, hay vốn ODA… Nguồn lực ngân sách chi thực hiện các chính sách thì có hiệu quả và khả thi không. Những hạn chế này cũng cần được Hội đồng Dân tộc lưu ý trong quá trình thẩm tra các dự án luật, dự án pháp lệnh có liên quan đến lĩnh vực dân tộc, từ đó làm rõ rách nhiệm bộ, ngành, địa phương trong phân bổ nguồn lực.

 Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh có liên quan đến lĩnh vực dân tộc cần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi. Xác định rõ, dự án luật khi được ban hành sẽ có tác động, ảnh hưởng thế nào đến lĩnh vực dân tộc. Muốn vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Khóa XIII Phan Trung Lý nhấn mạnh, để thẩm tra tốt phải có kỹ năng tốt. Ở đây, phụ thuộc rất nhiều vào các thành viên Hội đồng Dân tộc. Mỗi đại biểu phải tự tích lũy, rèn luyện kỹ năng xử lý thông tin. Đồng thời phát huy dân chủ, mở rộng sự tham gia của các chuyên gia về lĩnh vực dân tộc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm, Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến lĩnh vực dân tộc phải bám sát quan điểm chỉ đạo của Hiến pháp năm 2013, đó là Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Rõ ràng, ngoài quy trình chung như thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh khác, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến lĩnh vực dân tộc phải chú ý đặc thù của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Anh Thảo