Cả nước mới có 1 sân bay do tư nhân đầu tư
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết, giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ phát triển của ngành hàng không rất cao, trung bình 16 - 18%/năm, được Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đánh giá là nhanh nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 thế giới.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển rất nhanh của vận tải hàng không đã gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Giai đoạn 2011 - 2019, công suất thiết kế cho các cảng hàng không là 95 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi đó, năm 2019, sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt 116,5 triệu hành khách/năm. Với lưu lượng như vậy, một số cảng hàng không đã quá tải hạ tầng, tập trung chủ yếu ở các cảng lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, hạ tầng hàng không quá tải so với nhu cầu phát triển của đất nước và chúng ta phải có cách thức để mở rộng. Bởi vì nghẽn không chỉ chuyện đi lại mà còn nghẽn cả nền kinh tế, không thể kết nối, không thể phát triển du lịch và thu hút được đầu tư.
“Vấn đề quan trọng nhất hiện tại là làm sao đẩy nhanh việc đầu tư vào hạ tầng sân bay”, ông Phạm Ngọc Sáu - nguyên Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tiếp lời.
Theo ông Dũng, trong số 22 cảng hàng không đang khai thác, 21 cảng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước; chỉ có Cảng hàng không Vân Đồn là dự án thu hút hợp tác công - tư (PPP).
“Nhìn chung đầu tư hạ tầng cảng hàng không thì hiệu quả tài chính không cao, nhất là giai đoạn đầu khi lãi vay trả lớn trong khi lưu lượng vận tải hành khách ban đầu chưa cao nên rất khó khăn cho các nhà đầu tư”, ông Dũng nói.
Vì thế, khi xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không theo phương thức PPP, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Nhà nước hỗ trợ để có phương án tài chính khả thi.” Không chỉ giai đoạn đầu tư mà giai đoạn khai thác có những lúc Nhà nước cũng cần phải hỗ trợ. Ví dụ khi đưa vào khai thác cảng hàng không từ quân sự sang như Chu Lai,Thọ Xuân, Vinh trong giai đoạn đầu, Nhà nước và các địa phương cũng hỗ trợ các hãng vận tải. Hiện nay các địa phương vẫn có chính sách hỗ trợ để thu hút các đường bay mới. Đây là một trong những yếu tố để hấp dẫn được các cảng hàng không mới hoạt động có hiệu quả”.
Phát huy vai trò của địa phương
Chia sẻ về bối cảnh hiện nay, TS. Lương Hoài Nam - chuyên gia hàng không cho biết, 6 sân bay lớn và "hấp dẫn" nhất cả nước cơ bản đã có chủ trương giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác. Do đó, dư địa đầu tư PPP sẽ không nằm ở các sân bay này. Có khoảng 10 - 12 sân bay được đưa vào danh mục xã hội hóa nhưng rất khó để thực hiện. Muốn cố gắng thu hút đầu tư xã hội hóa các sân bay này thì phải “trải thảm”, bao gồm cơ chế chính sách thông thoáng, đặc biệt là thủ tục hành chính cần đơn giản, mạch lạc và không có rủi ro cho nhà đầu tư.
Ông Nam khẳng định chỉ với tổng mức đầu tư không quá 500 tỷ đồng có thể xây ngay được một sân bay chuyên dùng với khu bay nhỏ, nhà ga tối thiểu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư khi cầm Nghị định của Chính phủ lên đọc thì thấy khó, không làm nổi. Ông đề xuất các sân bay chuyên dùng nên giao cho địa phương phê duyệt đầu tư, quản lý. Các bộ, ngành chỉ tập trung quản lý theo chuyên ngành.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên thành công trong việc thu hút tư nhân đầu tư vào sân bay Vân Đồn. Chia sẻ kinh nghiệm, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, đây là sân bay đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT nên gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách pháp luật do chưa từng có tiền lệ. "Tuy nhiên, cứ đi là đến, chúng tôi cũng đã mày mò và thành công", ông Huy nói.
Theo đó, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng cảng hàng không, mời một thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tham gia. Đồng thời, thành lập ban hỗ trợ đầu tư của tỉnh, quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ nhà đầu tư trong các thủ tục pháp lý cũng như thủ tục hành chính. “Chúng tôi quyết liệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đền bù, giải phóng mặt bằng là khâu quyết định để hỗ trợ nhà đầu tư một cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất các chi phí đầu tư”, ông Huy chia sẻ.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhấn mạnh vai trò của các địa phương rất quan trọng và là yếu tố đột phá trong việc thu hút nguồn vốn tư nhân vào các sân bay. Đề cập việc Quảng Ninh đã giải phóng mặt bằng nhanh để nhà đầu tư làm sân bay Vân Đồn, ông Dũng cho rằng, nhiều khi hiệu quả công trình tiết kiệm nằm ở thời gian rút ngắn giải phóng mặt bằng.
Với kinh nghiệm quản lý vận hành sân bay tư nhân Vân Đồn, ông Phạm Ngọc Sáu - nguyên Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn cho rằng, để tạo đột phá trong việc thu hút vốn xây dựng sân bay, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đáng tin cậy, đơn giản hóa thủ tục. Bên cạnh đó, quy trình cấp phép, quản lý hoạt động sân bay phải minh bạch; có chính sách ưu đãi cho các hãng hàng không và các công ty vận tải mở đường bay mới…