Cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu
Sớm xây dựng nghị định về kinh tế tuần hoàn
Tại COP 26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về việc đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero) vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhìn nhận tích cực hơn về yêu cầu sớm phát triển kinh tế tuần hoàn. Một loạt các văn bản chính sách đã được ban hành nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, để tạo dựng “sức sống” cho các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ. Bối cảnh phục hồi tăng trưởng cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy “phục hồi xanh”. Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng cần sớm thực hiện là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó cụ thể hóa các tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến đà phục hồi, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng trở nên kém tích cực hơn, 6 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy đà phục hồi tích cực.
Tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý I và 7,72% trong quý II - tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với khu vực châu Á. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực, đặc biệt là dịch vụ.
Trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhờ các giải pháp, chính sách kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, và hỗ trợ người lao động, tình hình lao động, việc làm đã sớm có những chuyển biến tích cực. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II đạt 51,6 triệu người, tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của CIEM tại hội thảo công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 - Cải cách và phát triển bền vững sáng 15.7, cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu 6 tháng đầu năm 2022 là gần 4,6 triệu người, cao hơn 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 89,6%), trong đó, 62,8% là nữ giới. Như vậy, khu vực nông thôn và lao động nữ còn chậm thích ứng với các cơ hội trong quá trình phục hồi kinh tế.
Cũng theo đánh giá của CIEM, trong 6 tháng qua, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng tăng nhanh hơn, chủ yếu do giá nhiên liệu thế giới và tổng cầu tăng mạnh song lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức tương đối thấp. Điều này phần nào cho thấy hiệu lực và hiệu quả của công tác điều hành chính sách tiền tệ. Dù vậy, áp lực đối với điều hành lạm phát dự báo sẽ gia tăng trong các tháng cuối năm, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine còn phức tạp, xu hướng đồng USD lên giá và gián đoạn chuỗi cung ứng còn hiện hữu. Bên cạnh đó, tác động tăng giá xăng dầu có thể được phản ánh rõ nét hơn vào giá các hàng hóa khác, báo cáo của CIEM nêu.
Chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi
Nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022, các chuyên gia cho rằng có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố. Đó là khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể Covid-19 và các dịch bệnh mới; tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng để giúp ổn định tâm lý thị trường và “neo” kỳ vọng lạm phát.
Bên cạnh đó, khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD; khả năng tạo thêm cơ hội và kỹ năng cho lao động nữ, qua đó giúp tận dụng tiềm năng từ nhóm lao động này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn cũng sẽ tác động tới tăng trưởng.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia CIEM đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế năm 2022. Theo đó, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt mức 6,7% theo kịch bản 1, và 6,9% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo lần lượt tăng 15,8% và 16,3%. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,2 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Lạm phát bình quân lần lượt ở mức 4% và 3,7%.
Để bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản đề ra, các chuyên gia kiến nghị, ứng xử với ổn định kinh tế vĩ mô linh hoạt, hữu hiệu hơn. Theo đó, cần theo dõi các kịch bản khác nhau như lựa chọn của Mỹ đối với lãi suất; điều phối giữa các chính sách (tài khóa, tiền tệ, tỷ giá, xuất nhập khẩu), lưu ý giữ dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, giải trình chính sách.
Bên cạnh đó, điều hành tổng cầu cần đi kèm với các cải cách về phía cung, nhìn từ bài học ứng xử với lạm phát sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cùng với đó, đẩy nhanh trụ cột về cải cách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thực hiện cải cách ngay trong quá trình phục hồi (chuyển đổi số, phục hồi xanh...).
“Chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi kinh tế, không chờ đến khi phục hồi hoàn toàn theo mô hình cũ rồi mới chuyển đổi xanh”, đại diện CIEM kiến nghị.
Để thúc đẩy chuyển đổi xanh, phục hồi xanh, các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận. Chuyển đổi xanh không nhất thiết có tính “đánh đổi” đối với tăng trưởng kinh tế. Cần có tư duy mở hơn về kinh tế tuần hoàn, đó không chỉ là “giảm”, “tiết kiệm”, mà còn là “phục hồi”, “đổi mới sáng tạo”, “lợi nhuận” và “thu nhập”.
Nhìn lại thời gian qua có thể thấy, Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý tác động phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới. Dù vậy, áp lực lạm phát trong nước đã trở nên hiện hữu hơn. Bối cảnh 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ đặt Việt Nam trước những yêu cầu cải cách và điều hành mới. Trong bối cảnh này, “việc duy trì “công thức” từ những năm trước đó – duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ theo hướng thị trường hiện đại – càng có ý nghĩa quan trọng”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu.