Nhu cầu tuyển dụng có nhiều thay đổi
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, thời gian gần đây, các doanh nghiệp đã thay đổi xu hướng tuyển dụng. Đa số nhu cầu hướng tới lao động có chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, trong khi lao động này thị trường Việt Nam khá thiếu. Hiện nay, cơ hội nghề nghiệp rộng mở, lao động có thể bỏ làm công nhân để ra ngoài bán hàng online, chạy grab... miễn là thu nhập cao. Vì thế, để doanh nghiệp có thể tuyển dụng được lao động như ý cần có mức tiền lương, môi trường làm việc cũng như chế độ làm việc hấp dẫn.
Ông Trịnh Ngọc Thọ, Phó Giám đốc kinh doanh Chi nhánh Công trình Viettel Hà Nội cho biết, Công ty hiện đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho 5 vị trí khác nhau, như kỹ thuật viên, nhân viên kinh doanh… với mức lương từ 12 - 17 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập khoảng 22 - 25 triệu đồng/tháng. Do yêu cầu mở rộng hoạt động nên từ nay đến cuối năm, đơn vị cần tuyển dụng số lượng lớn lao động có trình độ cao thông qua nhiều kênh từ online đến trực tiếp.
Tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (FALMI) cho biết, nửa cuối năm 2024, hầu hết doanh nghiệp cần lao động đã qua đào tạo với tỷ lệ gần 88%; trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 19,54%, cao đẳng 23,16%… Nhu cầu cao nhưng khó khăn của doanh nghiệp là tình trạng "đỏ mắt" vẫn không tìm đủ nguồn lao động.
Ông Hồ Ngọc Vũ, đại diện Phòng Đào đạo Daikin Việt Nam chia sẻ, trước tình trạng thiếu nhân lực qua đào tạo, công ty đã phải phối hợp với nhà trường để đào tạo và sát hạch kỹ thuật viên, sinh viên theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của công ty. Trung bình mỗi năm, chương trình này đào tạo khoảng 200 học viên đạt chuẩn.
Theo bà Trần Thị Thùy Trâm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động là do không phù hợp giữa nhu cầu việc làm và nguồn nhân lực đang thất nghiệp. Tương tự, khảo sát của FALMI cũng chỉ rõ, mức độ yêu cầu của doanh nghiệp và mức độ đáp ứng của người lao động vẫn có độ chênh lệch đáng kể. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến lượng người thất nghiệp vẫn ở mức cao nhưng doanh nghiệp lại "khát" nhân sự.
Không để lãng phí nguồn lao động trẻ
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, mới đây, nhận được kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến, kiến nghị Bộ tiếp tục nghiên cứu có chủ trương, chính sách căn cơ, hiệu quả hơn về tạo việc làm cho thanh niên đến tuổi lao động. Đồng thời, có chính sách thu hút, tuyển dụng, sử dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường, không để lãng phí nguồn lao động trẻ, nhất là lao động đã được đào tạo.
Theo đó, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển thị trường lao động, kết nối việc làm; hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho các đối tượng người lao động nói chung, trong đó có thanh niên. Đặc biệt là thanh niên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số miền núi... thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác, để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là xây dựng các cơ sở dữ liệu về người lao động (trong đó có thanh niên) đồng bộ, hiện đại, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động ngắn hạn, trung và dài hạn; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phục vụ phân tích, đánh giá thị trường lao động. Bộ cũng chú trọng xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ, kết nối dữ liệu công - tư trong dịch vụ việc làm; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động; hình thành mạng thông tin quốc gia về việc làm.
Cùng với đó, đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chính sách lao động, việc làm phù hợp cho thanh niên, nhất là thông qua các ứng dụng, các trang thông tin điện tử trên môi trường trực tuyến; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách lao động, việc làm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm.
Hiện nay, Bộ đang tập trung xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về hỗ trợ việc làm cho đối tượng người lao động nói chung, thanh niên nói riêng và các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, giúp họ dễ dàng tiếp cận hơn trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm và tìm kiếm công việc phù hợp.
Nhiệm vụ quan trọng nữa là thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người học nghề sau khi ra trường, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Trong đó, chú trọng tăng cường trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng như khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.